Việt Nam trước thách thức từ Internet vệ tinh

Trong năm 2022, dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk sẽ được triển khai ở Việt Nam. Khi đó, người dùng ở bất cứ đâu cũng có thể truy cập mạng, không cần phụ thuộc vào đường truyền cáp quang.

Phá bỏ ranh giới trong truy cập Internet

Dự án phủ sóng Internet quanh Trái đất của Elon Musk đã bắt đầu cho người dùng đăng ký thử nghiệm. Bạn có thể là một trong những người đầu tiên sử dụng dịch vụ này ngay cả khi đang sống tại Việt Nam.

Tham vọng của Starlink là sử dụng 12.000 vệ tinh quỹ đạo thấp để phủ sóng Internet đến mọi ngóc ngách của quả địa cầu.

Tính đến nay, dự án này đã thành công trong việc phủ sóng khắp châu Mỹ với tổng cộng 1.261 vệ tinh đã được đưa lên quỹ đạo. Dự án Internet vệ tinh của tỷ phú Elon Musk còn nhắm tới cả người sử dụng Việt Nam. Hiện, Starlink bắt đầu cho phép người dùng đặt hàng trước để sử dụng dịch vụ.

Theo đó, khi truy cập vào website của Starlink, người dùng có thể dễ dàng chọn những thành phố quen thuộc của Việt Nam như: Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... để đăng ký sử dụng dịch vụ này. Startlink sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh cho người sử dụng tại Việt Nam vào năm 2022.

Tuy nhiên, để được là một trong những người sử dụng đầu tiên, người dùng phải trả 1 khoản phí là 99 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) để “đặt chỗ”.

Việc thanh toán sẽ được thực hiện qua các loại thẻ quốc tế như VISA, Master Card. Bộ sản phẩm được cung cấp sẽ bao gồm chảo vệ tinh Starlink, bộ định tuyến WiFi, nguồn điện, cáp và giá đỡ. Trong trường hợp đổi ý, Starlink sẽ hoàn trả lại tiền đặt cọc cho người sử dụng.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, Starlink là một dự án chòm sao vệ tinh, trong đó có hàng ngàn vệ tinh cỡ nhỏ được phóng lên quỹ đạo thấp của Trái đất (viết tắt là LEO - Low Earth Orbit), nằm cách mặt đất 550km.

Tín hiệu Internet sẽ được bắn từ các vệ tinh thẳng xuống các thiết bị thu nhận trên mặt đất, sau đó những thiết bị này sẽ phát tín hiệu thông qua hệ thống cục bộ hoặc trực tiếp qua dây nối với router Starlink của khách hàng.

Điểm mạnh của Internet vệ tinh là phá bỏ giới hạn khoảng cách. Vùng đồi núi, hải đảo, địa hình khó khăn phức tạp… vẫn có thể truy cập mạng đơn giản

Internet vệ tinh hoạt động tương tự như Internet cáp, trừ việc hệ thống này có nhiều thành phần dịch chuyển hơn. Khi khách hàng truy cập, yêu cầu dữ liệu sẽ được chuyển từ máy tính đến một chảo internet vệ tinh. Chảo này sẽ phát đi yêu cầu dữ liệu đến một vệ tinh đang quay quanh Trái đất.

Lúc này, vệ tinh sẽ gửi yêu cầu vừa nhận được đến ISP. Dữ liệu được truyền từ nhà cung cấp đến vệ tinh, sau đó từ vệ tinh đến chảo Internet vệ tinh, xuống router của bạn và đi vào máy tính. Càng nhiều vệ tinh thì tín hiệu càng ổn định.

Các vệ tinh này có vai trò giống như các trạm thu phát sóng, chỉ khác là chúng không bị cản trở bởi không gian địa hình.

Cạnh tranh giữa các nhà cung cấp

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, sự xuất hiện của nhà cung cấp SpaceX sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp viễn thông hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là chúng ta chưa có những căn cứ pháp lý để quản lý vấn đề an ninh mạng đối với nhà cung cấp ngoài nước.

Do vậy, thời gian tới sẽ phải tính đến các khung pháp lý để quản lý an toàn thông tin mạng, tránh những thông tin xấu, tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế xã hội.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thanh, Viện trưởng Viện Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, công nghệ này sẽ tạo ra sự canh tranh lớn với các nhà mạng. Hiện nay, Internet của Việt Nam cũng tương đối tốt, đã phủ sóng ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, tuy nhiên chưa thể linh động được như Internet vệ tinh.

Starlink có nhanh hơn cáp quang không tùy thuộc vào nhà cung cấp, nhưng được biết băng thông của Internet vệ tinh là rất lớn nên sẽ cạnh tranh rất lớn với nhà cung cấp hiện nay. Điểm quan trọng để cạnh tranh ở đây là mức phí mà nhà cung cấp internet vệ tinh đưa ra, nếu nó quá cao thì cũng khó thu hút người dùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Thanh, khi toàn bộ hệ thống vệ tinh Starlink được đưa lên quỹ đạo, dịch vụ này sẽ cung cấp phạm vi phủ sóng gần như toàn cầu đến những nơi có dân cư. Người dùng sử dụng dịch vụ chỉ cần mua chiếc chảo bắt sóng, giống như chảo xem truyền hình.

Còn về vấn đề an ninh mạng, nếu nói về sự xâm nhập của hacker và người dùng thì bản thân mỗi người phải trang bị những công cụ để tự bảo vệ mình.

Do đó, vấn đề này cũng giống như với các nhà mạng của Việt Nam thôi. Quan trọng nhất là có các chính sách cạnh tranh công bằng, nếu không sẽ để mất thị trường này vào tay nước ngoài

Theo các chuyên gia, Starlink có thể phủ sóng đến quốc gia hay không còn tùy vào quy định của quốc gia. Hiện, nhiều quốc gia đã cho phép Starlink hoạt động nhưng Trung Quốc và Nga sẽ yêu cầu dịch vụ này phải tuân theo những quy chế đặc biệt nếu họ cho phép Starlink phát sóng trên các tần số của mình.

Một số quốc gia thì cấm hẳn việc mua bán và sử dụng các thiết bị tiếp nhận Starlink gắn trên mặt đất. Ở Việt Nam, để quản lý được Internet vệ tinh, cần sớm có các chế tài quy định phù hợp.

Về độ khả thi, giá thành dịch vụ Internet từ chùm vệ tinh quỹ đạo thấp như của Starlink hiện vẫn cao gấp từ 7 - 8 lần so với giá dịch vụ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam.

Trong trường hợp được triển khai tại Việt Nam, dịch vụ Internet vệ tinh sẽ là lời giải cho bài toán phủ sóng Internet tại những khu vực có địa hình bị chia cắt như đồi núi, hải đảo...

Ngoài ra, việc cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh bằng công nghệ chùm vệ tinh quỹ đạo thấp còn thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải và hàng không.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/viet-nam-truoc-thach-thuc-tu-internet-ve-tinh-MHF8FsXMg.html