Việt Nam - Trung Quốc: Chia sẻ kinh nghiệm về công tác tiếp công dân

Ngày 26/11, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu cấp cao Cơ quan Tiếp công dân Nhà nước Trung Quốc do ông Từ Tư Minh, Phó Cục trưởng, thành viên tổ Đảng Cơ quan Tiếp công dân Nhà nước Trung Quốc làm Trưởng đoàn.

Tại buổi tiếp, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh nhiệt liệt chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Cơ quan Tiếp công dân Nhà nước Trung Quốc đã sang thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ (TTCP) Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong những năm tới, trong đó có việc tạo điều kiện cho các cơ quan tiếp công dân của hai bên triển khai hợp tác, giao lưu nghiệp vụ, thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị.

"Trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước Việt - Trung đang phát triển ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực, chúng tôi rất vui được đón tiếp, làm việc với đồng chí Từ Tư Minh và Đoàn đại biểu Cơ quan Tiếp công dân Nhà nước Trung Quốc, hai cơ quan chúng ta đều có một chức năng quan trọng - đó là tiếp công dân, tiếp nhận những kiến nghị, khiếu nại, phản ánh, góp ý của người dân, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân liên quan đến việc thực hiện, chức năng nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước", Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Đáp lại, ông Từ Tư Minh, Phó Cục trưởng, thành viên tổ Đảng cơ quan Tiếp công dân Nhà nước Trung Quốc cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của TTCP Việt Nam với Đoàn. Hi vọng, trong thời gian tới hai bên ngày càng tăng cường mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực trên cơ sở lợi ích chung, góp phần đưa mối quan hệ hai nước, hai cơ quan lên một tầm cao mới, sâu sắc chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương - TTCP Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Điệp đã giới thiệu về những quy định của pháp luật Việt Nam về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tiếp công dân, giải quyết các vụ khiếu kiện ở Việt Nam.

Theo đó, tại Việt Nam các cấp, ngành luôn đề cao ý chí và ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, có vai trò quyết định đối với hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Song với đó, việc thường xuyên giáo dục pháp luật, cập nhật kiến thức cho người dân để giúp người dân có được nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật; sự phối hợp hiệu quả, triệt để giữa cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các vụ việc phức tạp, có tính chất liên ngành cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tiếp dân, ông Từ Tư Minh, Phó Cục trưởng, thành viên tổ Đảng Cơ quan Tiếp công dân Nhà nước Trung Quốc khẳng định: Đảng và Chính phủ Trung Quốc coi trọng công tác tiếp dân, các lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ đều có chỉ thị rõ ràng về công tác tiếp dân, theo đó tất cả các cơ quan hành chính từ địa phương đến Trung ương phải coi trọng công tác tiếp dân, đồng thời không được xa rời quần chúng.

Mặt khác, công tác tiếp dân tại Trung Quốc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân là được tham gia vào các hoạt động của đất nước, cũng như phát huy công tác kiểm tra, giám sát dân chủ của mình.

Ông Minh nhận định, công tác tiếp công dân của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, đó là kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên định lấy nhân dân làm gốc, kiên trì tư tưởng pháp trị và phương thức pháp trị phù hợp với pháp luật. Đồng thời, bắt buộc các cơ quan hành chính Nhà nước phải giải quyết các kiến nghị của người dân.

Tuy nhiên, tại Trung quốc, chưa có Luật Tiếp công dân riêng mà lấy điều lệ tiếp dân làm gốc, đây là quy định hành chính. Ngoài ra, còn có các quy định mang tính địa phương, đơn cử như tỉnh Quảng Đông có quy định tiếp dân riêng do tỉnh tự quyết.

Về trách nhiệm tiếp dân, mọi cơ quan Nhà nước đều là chủ thể tiếp dân, bao gồm 3 bộ phận chính đó là: Đảng ủy UBND các cấp, cơ quan tiếp dân và các cơ quan Nhà nước có quyền xử lý tiếp dân.

"Chúng tôi phân tiếp dân thành ba nhóm lớn: Nhóm thứ nhất, giải quyết những vấn đề theo yêu cầu của công dân, chiếm lớn 60 - 70%, chúng tôi chuyển đến cơ quan trực tiếp để xử lý; nhóm 2 là nhóm các công dân đưa ra kiến nghị, được đưa vào cơ quan nghiên cứu giải quyết và ban lãnh đạo Trung ương để nghiên cứu các đối sách giải quyết; nhóm ba là các công dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước", ông Từ Tư Minh cho biết.

Đặc biệt, điểm nổi bật nhất trong công tác tiếp công dân tại Trung Quốc là chế độ tiếp dân công khai minh bạch trên mạng internet.

"Thông qua hệ thống internet, chỉ cần một chiếc điện thoại trên tay người dân có thể theo dõi, giám sát thông tin theo một quá trình từ tiếp, giải quyết và kết quả giải quyết ngay trên mạng internet. Đây là một trong những nét lớn trong việc cải cách về công tác tiếp công dân tại Trung Quốc", ông Minh nhấn mạnh.

Đánh giá cao những nội dung được chia sẻ, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh khẳng định, những chia sẻ này đã giúp Việt Nam có cái nhìn toàn diện về công tác tiếp dân tại Trung Quốc. Đồng thời hi vọng, chuyến thăm và làm việc lần này của Đoàn, hai bên sẽ có cơ hội trao đổi, chia sẻ với nhau về tình hình thực tiễn và những kinh nghiệm rất hữu ích cho công tác của hai bên.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/viet-nam-trung-quoc-chia-se-kinh-nghiem-ve-cong-tac-tiep-cong-dan_t114c1059n141704