Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ hướng tới người dân

Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ tiếp tục mục tiêu duy trì, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Ngày 8/5, Học viện Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020: Khuyến nghị về các ưu tiên”, tại Hà Nội.

Hội nghị đã chỉ ra các mục tiêu chủ chốt cho Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và đề ra các biện pháp, phương hướng thực hiện. Trong đó, sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, Ban, Ngành trong công tác chuẩn bị cho năm Chủ tịch là vô cùng cần thiết.

Trả lời Zing.vn về ưu tiên của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao cho biết: "Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các kế hoạch, chương trình để chuẩn bị cho ASEAN 2020 khi Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch. Từ góc độ học giả, chúng tôi cho rằng các ưu tiên phải phù hợp với 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN".

ASEAN không "chọn bên", muốn chung sống hòa bình

"Hướng tới mục tiêu xây dựng ASEAN trở thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất chung, một khu vực liên kết và mở với bên ngoài và có năng lực cạnh tranh ngày càng cao là ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch 2020", Tiến sỹ Trần Việt Thái khẳng định.

 PGS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020: Khuyến nghị về các ưu tiên” tại Hà Nội ngày 8/5.

PGS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020: Khuyến nghị về các ưu tiên” tại Hà Nội ngày 8/5.

Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) đề ra mục tiêu chung là xây dựng một cộng đồng "hướng tới người dân, phục vụ người dân".

ASEAN 2020 sẽ dành sự quan tâm lớn tới quyền lợi của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em cũng như các đối tượng yếu thế khác, tạo điều kiện để họ được hưởng lợi ích tốt nhất trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Ngoài ra, vấn đề lao động việc làm và an sinh xã hội sẽ được quan tâm.

Việt Nam đã tham vấn các nước ASEAN và đối tác để hình thành định hướng hoạt động chung cho năm 2020.

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời là Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam nói với Zing.vn: "Trong nhiệm kỳ lần này, Việt Nam phải tích cực, chủ động hơn nữa trong việc đưa ra các sáng kiến mới, giữ nguyên tắc đồng thuận của ASEAN và cùng mở rộng quan hệ với các đối tác".

"Việt Nam đặt rất nhiều quyết tâm bảo đảm cho thành công trong năm Chủ tịch ASEAN", ông nói.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Trần Việt Thái cho biết: "Do chính sách đối ngoại ngày càng rộng mở, đa phương hóa - đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, và quan hệ sâu rộng của Việt Nam trên trường quốc tế, có rất nhiều đối tác, bạn bè trong và ngoài khu vực nhìn thấy tiềm năng và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Đó là các tổ chức quốc tế, các đối tác và thành viên của ASEAN".

Sau hơn 50 năm phát triển, ASEAN đã xây dựng được nhiều cơ chế liên kết khu vực, trong đó có các cơ chế do Việt Nam đề xuất.

Các nước thành viên ASEAN cũng sẽ xây dựng lập trường chung về sáng kiến Vành đai-Con đường (BRI) của Trung Quốc và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, dự kiến công bố trong thời gian tới.

Tuy chưa có quan điểm chính thức về các chiến lược này nhưng các quốc gia đều chung mong muốn các cường quốc bên ngoài khu vực tham gia hợp tác vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, có thái độ tích cực và cùng nhau vun đắp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước.

Hơn 50 đại biểu gồm chuyên gia cấp Vụ và cấp Phòng của các Bộ, Ngành, các cơ quan của Đảng và Quốc hội của Việt Nam làm công tác liên quan đến ASEAN và các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tại hội thảo về năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Theo các học giả, các nước ASEAN không muốn "chọn bên", thay vào đó họ muốn chung sống hòa bình, giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại, không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực, cùng xây dựng lòng tin và tiệm tiến từng bước.

"Có thể có thách thức và khác biệt, nhưng phương cách của ASEAN là từng bước hợp tác đối thoại và xây dựng lòng tin để dần dần giải quyết các vấn đề", ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN

Trong bối cảnh thế giới nổi lên các trào lưu như bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa cùng các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng như biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển dâng, an ninh - an toàn hàng hải, vấn đề Biển Đông,... ASEAN càng phải nỗ lực hơn nữa để hội nhập và tăng cường đoàn kết khu vực.

Để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội, các chuyên gia cho rằng ASEAN phải nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và năng lực nội tại, đồng thời xây dựng các thể chế vững mạnh.

Tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến bất định, khó lường, trong khi nhiều quốc gia đang xem xét lại các tổ chức quốc tế và thể chế đa phương đòi hỏi ASEAN phải nâng cao hơn nữa vai trò trung tâm khu vực của mình, cố kết nội bộ và năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

"Vẫn còn thời gian xây dựng các sáng kiến", nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.

Các đại biểu, học giả trong và ngoài nước tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu, học giả trong và ngoài nước đã đi vào trao đổi thẳng thắn và thực chất. Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp một cách thực chất vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Hà Lan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/viet-nam-trong-nam-chu-tich-asean-2020-se-huong-toi-nguoi-dan-post944144.html