Việt Nam trong làn sóng AI

AI ngày nay được xem là trung tâm của chuyển đổi số trong các tổ chức.

Kết nối với hơn 3.000 người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng vi mô tại Việt Nam, CastingAsia đang đánh chiếm thị trường tiếp thị trực tuyến Việt Nam bằng một phương thức mới là trí tuệ nhân tạo (AI).

Công ty có một nền tảng với bảng điều khiển trên nền AI cho marketing người nổi tiếng, sử dụng công nghệ thị giác máy tính (computer vision), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và học sâu (deep learning) để tìm kiếm, kết nối, quản lý, báo cáo và phát hiện gian lận. “Chúng tôi hiện có hơn 10.000 người nổi tiếng cũng như người có tầm ảnh hưởng vi mô và hướng đến con số 50.000 vào cuối năm nay. Điều này sẽ biến chúng tôi trở thành nền tảng marketing người nổi tiếng lớn nhất và phát triển nhanh nhất châu Á”, ông Shingo Hayashi, Giám đốc vùng của CastingAsia, bày tỏ tham vọng.

Tham vọng của CastingAsia cho thấy AI đang trở thành mảnh đất màu mỡ và giàu tiềm năng tại châu Á cũng như tại Việt Nam. “Trong những năm gần đây, AI đã trở thành một trong những chủ đề chính trong các cuộc trao đổi của tôi với khách hàng, đối tác và những nhà lãnh đạo đầu ngành ở châu Á”, ông Ralph Haupter, Chủ tịch Microsoft châu Á - Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, cho biết.

AI ngày nay được xem là trung tâm của chuyển đổi số trong các tổ chức. Đến năm 2019, hãng nghiên cứu Mỹ IDC dự đoán 40% những ý tưởng chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ bởi AI và khả năng nhận thức, nhằm đưa ra phân tích quan trọng kịp thời cho những mô hình vận hành và tiền tệ hóa trong khu vực. Theo Microsoft đánh giá, với tiềm năng hiện tại, châu Á có 3 lý do chính để là nơi tạo nền tảng phát triển trí thông minh nhân tạo.

Thứ nhất là nguồn cung cấp dữ liệu: AI phụ thuộc vào dữ liệu để hoạt động, có càng nhiều dữ liệu đưa vào hệ thống AI càng tốt. Do đó, đặc trưng là khu vực có dân số đông nhất thế giới, đồng thời là khu vực gắn liền với kỹ thuật số nhiều hơn các khu vực khác nên sẽ là nguồn cung cấp số lượng lớn dữ liệu mà hệ thống AI sẽ cần để phát triển.

Thứ hai là nguồn nhân lực: Từ nền tảng là khu vực với dân số đông, trong cơn bão AI mà Microsoft đang tạo nên, tập đoàn này đang đẩy mạnh việc khai thác nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Với tiêu chí này, châu Á được đánh giá là nơi có thể cung cấp nguồn lực tốt nhất cho Tập đoàn nói chung và các công ty công nghệ, cơ quan nghiên cứu có thể tận dụng để nâng cao năng lực AI. Theo UBS, đến năm 2025, nguồn nhân lực AI của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vượt số lượng ở Mỹ.

Thứ ba là nơi đón nhận: Điểm đặc biệt của châu Á là khu vực sở hữu nhiều nhất số lượng dân số trẻ được sinh ra trong thời đại kỹ thuật số. Theo đánh giá của Liên hiệp Quốc, khu vực này có tỉ lệ dân số trẻ lên đến 60% và những công dân này dễ dàng tiếp cận cũng như sẵn sàng đón nhận công nghệ kỹ thuật số để nâng cao cuộc sống.

Đón làn sóng này, Đại học Chulalongkorn và Viện Công nghệ Ladkrabang đã lên chương trình đào tạo cử nhân bằng cách ghép ngành kỹ thuật robot và AI đầu tiên ở Thái Lan. Kỹ thuật robot và AI được xác định là những ngành tăng trưởng quan trọng của kế hoạch Thái Lan 4.0. Chính phủ Thái Lan tuyên bố hướng đến một khoản đầu tư 6 tỉ USD trong 5 năm tới để phát triển các ngành công nghiệp robot và tự động hóa.

Chính phủ Singapore cũng cho thấy sự nghiêm túc khi công bố phát triển Hiệp hội Khoa học Dữ liệu và cam kết bỏ ra 110 triệu USD để nghiên cứu ngành công nghiệp này. Trong khi đó, Microsoft đầu tư 33 triệu USD cho Chính phủ Đài Loan để xây dựng phòng nghiên cứu và phát triển AI tại Đài Loan nhằm chuyển đổi lĩnh vực công nghệ và công nghiệp.

Tại Việt Nam, người dùng đã biết đến AI từ những ứng dụng rất nhỏ như máy ảnh tự nhận diện khuôn mặt, trợ lý ảo trên smartphone, xe tự lái, robot Nano của FPT, Zalo Brain và Zalo Assistant của VNG... AI đang là làn sóng mới, hứa hẹn thay đổi hoàn toàn bộ mặt của doanh nghiệp cũng như của các nền kinh tế. Đó là thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam và AI là một trong những cơ hội hiếm hoi để Việt Nam ghi tên trên bản đồ công nghệ thế giới.

Cả 3 yếu tố để hỗ trợ AI phát triển mà Việt Nam đang nắm trong tay. Về mặt con người, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào trong ngành AI. Nền tảng toán học của các bạn trẻ Việt Nam rất tốt và họ hoàn toàn có thể làm việc, nghiên cứu về AI không kém gì các bạn trẻ ở nước ngoài thông qua các nguồn tài nguyên online. Có những chuyên gia như Tiến sĩ Lê Việt Quốc ở Google Brain được giới công nghệ ghi nhận là người đã có công đưa deep learning vào thực tế và khôi phục lại làn sóng nghiên cứu và ứng dụng AI đã dậm chân tại chỗ trong nhiều năm. Các công ty như FPT, AI, Viettel cũng đẩy mạnh những nghiên cứu và cho ra đời những giải pháp chính phủ điện tử, quản lý giáo dục (SMAS), quản lý và đôn đốc bán hàng cho chuỗi phân phối (DMS.One), hệ thống công tơ điện tử một pha hộ gia đình (SMMS.One), hệ thống văn phòng điện tử (Voffice)... Tổ hợp giáo dục trực tuyến lớn nhất Việt Nam cũng khởi động Topica AI Lab với mong muốn đưa những ý tưởng phát triển sản phẩm ứng dụng AI thực sự đi vào đời sống.

Thị trường AI hiện rất mở và Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tận dụng. Vấn đề là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này cần thêm kinh nghiệm về kinh doanh, làm sao để có được một sản phẩm ra tiền từ công nghệ AI do họ sáng tạo ra

Đức Phúc

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/biz-tech/viet-nam-trong-lan-song-ai-3323581/