Việt Nam trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Trở về từ Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Toàn cầu Club de Madrid hồi tháng 10, sau khi thảo luận về Chuyển đổi số và Xã hội Trí tuệ Nhân tạo, có 2 suy nghĩ đau đáu trong tôi.

Thứ nhất là, sự hiếu kỳ về viễn cảnh xã hội trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Thứ hai là, nỗi trăn trở về vị thế của con người nói chung và của người Việt Nam nói riêng trong xã hội đó. Mùa Xuân, mùa của vận hội mới và những hy vọng mới đã tới. Đây cũng là lúc Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để tiến vào kỷ nguyên số - kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo bằng những nhận thức mới, sức mạnh mới, xứng tầm với tiềm năng và bản sắc của chúng ta.

Xã hội trí tuệ nhân tạo - Cơ hội và thách thức

100 năm đã qua, kể từ ngày chiếc ti vi đầu tiên ra đời. Sau 100 năm, hình ảnh của màn hình đen trắng ngày nào đã được phát triển thành công nghệ hình ảnh có độ nét cực cao (4K, 8K) với gần chục triệu điểm ảnh trên một màn hình. Gương mặt của chúng ta có thể được chụp sắc nét với độ phân giải cực cao từ một ống kính vệ tinh ngoài Trái Đất. Sau 100 năm, không khoảng cách nào thực sự tồn tại dưới "phép màu" của công nghệ.

Không dừng lại ở khoảng cách, công nghệ cho phép con người "thổi hồn" cho vạn vật. Robot ngày nay không chỉ có khả năng thực hiện chính xác mệnh lệnh của con người thông qua câu lệnh. Nhờ khả năng phân tích giọng nói, nhịp tim, sự co giãn của đồng tử mắt, một thiết bị công nghệ giờ đã có khả năng hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của người đối diện với độ chính xác cao và có thể tương tác qua lại. Robot Sophia thậm chí đã được Chính phủ Saudi Arabia công nhận quyền công dân năm 2017. Chúng ta đang tiến đến một xã hội mà ở đó giao thông vận hành nhờ các phương tiện không người lái, các giải pháp phân luồng giao thông tự động không cần con người, đảm bảo tính chính xác và tuân thủ gần như tuyệt đối. Có vô vàn những ứng dụng đáng ngưỡng mộ mà cuộc cách mạng số 4.0 đã, đang và sẽ ra đời làm thay đổi toàn bộ xã hội chúng ta.

Đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo giải “bài toán” kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo giải “bài toán” kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhưng quan trọng hơn cả, điều làm nên tính duy nhất và siêu việt của trí tuệ nhân tạo là "tính con người". Trí tuệ nhân tạo được thừa hưởng một đặc điểm vô cùng quý giá - đó là khả năng tư duy và tiến bộ giống như con người.

Trí tuệ nhân tạo có khả năng "tự học" dựa trên việc mô phỏng lại những hành vi, quyết định của con người. Việc mô phỏng này không chỉ là lặp lại y nguyên mà còn có sự tiến bộ. Tiến bộ ở chỗ, trí tuệ nhân tạo có thể chọn lọc được những hành vi, lựa chọn nào có khả năng đem lại kết quả kỳ vọng. Để có thể hoàn tất quá trình tự học này, trí tuệ nhân tạo cần được cung cấp một dữ liệu đủ lớn và liên tục về hành vi, quyết định của con người.

Ví dụ đơn giản: Khi bạn dành nhiều sự chú ý và tương tác (như like, comment) cho các thông tin chính trị trên mạng xã hội, bạn sẽ nhận được nhiều gợi ý hoặc ngày càng đọc được nhiều bài đăng liên quan đến chủ đề chính trị. Đó là kết quả của quá trình mạng xã hội "học tập" thói quen của chúng ta, tiến hành "đánh giá" sở thích của ta và ra quyết định ưu tiên đẩy lên những nội dung mà chúng ta thích.

Dữ liệu của người dùng, từ đây, trở thành tài sản mà bất cứ tổ chức nào cũng mong muốn. Ai nắm giữ dữ liệu, người đó nắm giữ khả năng thấu hiểu đám đông hay thậm chí chi phối đám đông.

Chúng ta để lại bao nhiêu tương tác trên Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác chính là để lại bấy nhiêu dữ liệu cho quá trình "tự học" của trí tuệ nhân tạo. Giá trị mà chúng ta theo đuổi - hướng thiện hay bạo lực, yêu thương hay thù hận, gắn kết hay chia rẽ - chính là những bài học chúng ta trao cho trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo mô phỏng chính chúng ta, chính xã hội loài người theo cách chân thực nhất. Xã hội trí tuệ nhân tạo trong tương lai sẽ ra sao - xấu xa hay lương thiện, là hiểm họa hay vận may cho loài người - hoàn toàn do giá trị của xã hội chúng ta ngày hôm nay quyết định.

Thách thức rõ ràng không nằm ở sự ưu việt của trí tuệ nhân tạo. Thách thức nằm ở những giá trị mà con người đang truyền đạt cho trí tuệ nhân tạo. Một xã hội "xấu xí" với đầy rẫy những quyết định cùng tư duy ích kỷ, bạo lực, không lành mạnh thì không thể để lại những dữ liệu tích cực cho trí tuệ nhân tạo. Thêm vào đó, khuôn khổ chính trị, luật pháp hiện nay chưa được chuẩn bị để quản trị xã hội với sự hiện diện của một nhân tố quá mới như trí tuệ nhân tạo.

Nhiều trường hợp, các quốc gia và cả những tổ chức quốc tế lớn nhất như Liên Hợp Quốc cũng rơi vào thế bị động khi ứng phó với các sự cố liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Một ví dụ điển hình nhất là tin tức giả mạo. Thông qua những nền tảng có ứng dụng trí thông minh nhân tạo, tin giả đã thâm nhập vào cả những kênh truyền thông uy tín nhất, làm ảnh hưởng đến những sự kiện có tầm quan trọng sống còn của quốc gia và thế giới. Niềm tin trong xã hội trí tuệ nhân tạo ngày nay bị xói mòn nghiêm trọng bởi những thách thức đó.

Để quản trị và phát triển xã hội trí tuệ nhân tạo cần phải thiết lập cơ chế quản trị toàn cầu đối với trí tuệ nhân tạo. Sức ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo không chịu giới hạn bởi biên giới, do vậy, một cơ chế quản trị hiệu quả cần sự chung tay, đóng góp của cộng đồng các quốc gia. Xu hướng tự cô lập, chia rẽ sẽ khiến chúng ta yếu ớt hơn trước những nguy cơ đồng thời không thể tạo dựng và bảo vệ được hệ giá trị có ý nghĩa để cùng phát triển với trí tuệ nhân tạo. Chỉ bằng cách đồng hành cùng nhau, chúng ta mới tạo điều kiện cho những kiến thức, tư duy và hành vi tích cực phát triển. Đây sẽ là "dinh dưỡng" có lợi cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, hướng đến một xã hội trí tuệ nhân tạo thực sự cho con người, vì con người.

Quản trị xã hội trí tuệ nhân tạo cũng là chủ đề của Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới - Club de Madrid - năm 2019 được tổ chức tại Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Tại đây, các đại biểu đã bàn bạc và thống nhất một thỏa thuận chung mang tên "Xã hội trí tuệ nhân tạo toàn cầu 2020" (AI World Society 2020) nhằm thích ứng với những thay đổi trong kỷ nguyên số. Thỏa thuận nhấn mạnh vai trò của chính phủ và các thực thể tư nhân trong việc hợp tác, sát cánh tạo ra một trường số hóa minh bạch, đảm bảo lợi ích của cộng đồng, bảo vệ an toàn cho các cá nhân, tổ chức cũng như thông tin của họ trong kỷ nguyên số.

Quản trị xã hội trí tuệ nhân tạo

Nhận thức rõ những thách thức quản trị một xã hội trí tuệ nhân tạo mới thấy đây là bài toán khó đối với cả các nước phát triển, những nước vốn đặt vấn đề nghiên cứu trí tuệ nhân tạo từ trước Việt Nam hàng chục năm. Chỉ tính riêng trong 5 năm, từ Quý I/2012 đến Quý II/2016, Mỹ đã dành 17,9 tỉ USD để đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Con số này đứng đầu thế giới, gấp gần 7 lần quốc gia đứng ở vị trí thứ hai là Trung Quốc (2,6 tỉ USD) [Viện Nghiên cứu Wuzhen, Trung Quốc]. Vậy Việt Nam ở đâu trên bản đồ trí tuệ nhân tạo và tương lai xã hội trí tuệ nhân tạo?

Việt Nam có cách tiếp cận phù hợp với xu thế thế giới trong việc quản trị xã hội trong thời đại trí tuệ nhân tạo. Xã hội trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo vẫn phải là một xã hội có quy tắc, chuẩn mực phù hợp với bản sắc, văn hóa của con người trong xã hội đó. Đây là điều kiện nền tảng, định hướng cho quá trình "tự học" và phát triển của trí tuệ nhân tạo. Muốn tạo dựng được nền tảng đó, mỗi cá nhân, tổ chức và thành phần trong xã hội cần phải có nhận thức và hành động cụ thể.

Ở cấp vĩ mô, lãnh đạo các quốc gia đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Chính phủ trí tuệ nhân tạo nhằm quản trị, quản lý và định hướng sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. Chính phủ trí tuệ nhân tạo không chỉ quản lý tác động của trí tuệ nhân tạo trên mọi mặt của đời sống mà còn là trung tâm của các sáng kiến, có tính định hướng cho sự phát triển bền vững của xã hội trí tuệ nhân tạo. Mỗi quốc gia có một bản sắc, một đặc điểm lịch sử, văn hóa riêng. Để sự phát triển rộng khắp của trí tuệ nhân tạo thực sự hài hòa với mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, phục vụ lợi ích chân chính của mỗi dân tộc, vai trò của Chính phủ trí tuệ nhân tạo là vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Tưởng phát biểu về trí tuệ nhân tạo tại Diễn đàn của CLB Madrid với quan điểm: Cần phải kiến tạo trái tim và tâm hồn cho trí tuệ nhân tạo, được đánh giá cao tại Diễn đàn.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Tưởng – Chủ tịch công ty Trầm Hương Khánh Hòa trở thành người Việt Nam đầu tiên được mời tham dự diễn đàn các cựu Lãnh đạo Thế giới (Câu lạc bộ Madrid - Club de Madrid) bàn về trí tuệ nhân tạo. Diễn đàn này quy tụ 102 cựu nguyên thủ của 60 quốc gia trên thế giới cùng hàng trăm học giả và doanh nhân tên tuổi toàn cầu tại Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.

Nguyễn Văn Tưởng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/viet-nam-trong-ky-nguyen-tri-tue-nhan-tao-81777.html