Việt Nam trong giai đoạn phục hồi kinh tế: Cần chú trọng đến quản lý các rủi ro tài chính vĩ mô

TS. Hoe Ee Khor - chuyên gia kinh tế trưởng Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô. ASEAN+3 (AMRO) cho rằng, Việt Nam phải tập trung vào quản lý các rủi ro tài chính vĩ mô và nâng cao khả năng chống chọi, phân bổ lại chiến lược các nguồn lực tài khóa, nhằm duy trì khả năng phục hồi kinh tế.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy nền kinh tế trong ngắn hạn.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy nền kinh tế trong ngắn hạn.

* PV: Theo báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 mới công bố gần đây, dự báo của AMRO về tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay tích cực hơn so với nhận định của các tổ chức khác như WB, IMF và ADB. Điều gì khiến AMRO lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam cho năm 2020, thưa ông?

- TS. Hoe Ee Khor: AMRO khá lạc quan về Việt Nam vì đây là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 với 100 ngày không lây truyền trong cộng đồng, trước khi tái bùng phát gần đây tại Đà Nẵng. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng tương đối tốt vì cấu trúc của nền kinh tế Việt khác với một số nền kinh tế trong khu vực. Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc di dời sản xuất khỏi Trung Quốc, vốn đã có tốc độ tập trung kể từ đầu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19.

TS. Hoe Ee Khor

Do các yếu tố nêu trên, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng 3,1% trong năm nay. Tuy nhiên, chúng ta phải xem đợt bùng phát này ở Đà Nẵng diễn biến như thế nào và mức độ giãn cách và cách ly xã hội sẽ được thiết lập. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng vài điểm phần trăm.

* PV: AMRO đánh giá thế nào về công tác quản lý tài khóa của Việt Nam trong thời gian qua? Ông có khuyến nghị gì cho quản lý tài khóa nhằm giúp tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19?

- TS. Hoe Ee Khor: Chúng tôi cho rằng, trong 5 năm qua, quản lý tài khóa của Việt Nam tương đối thận trọng. Những nỗ lực liên tục về huy động thu và hợp lý hóa chi tiêu, cùng với việc thắt chặt hơn việc cung cấp bảo lãnh nợ và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đã giúp giảm nợ công từ 64% của GDP năm 2016 xuống 55% vào năm 2019. Thành tựu tài khóa này đã giúp tái thiết không gian tài khóa mà Việt Nam có thể sử dụng để giải quyết các thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra.

Kể từ khi bắt đầu bùng phát, khoảng đệm chính sách gia tăng đã cho phép Chính phủ thực hiện một số biện pháp tài khóa để ổn định nền kinh tế, từ giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hoãn nghĩa vụ thuế đến hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp bị ảnh hưởng. Khoảng đệm này cũng cho phép Chính phủ phân bổ đủ nguồn lực tài chính cho các nỗ lực chăm sóc sức khỏe trong việc quản lý đại dịch, những nỗ lực đã được cộng đồng quốc tế ca ngợi rộng rãi vì tính hiệu quả trong việc kiểm soát sự lây lan của vi rút.

Bên cạnh đó, việc kiềm chế nợ công thành công trong 5 năm qua một phần là do đầu tư công hạn chế, thể hiện ở việc Chính phủ dự trữ tiền mặt dồi dào và hạn mức tín dụng chưa giải ngân khá lớn từ các tổ chức đa phương. Do đó, bên cạnh các biện pháp kích thích toàn diện hiện nay, Chính phủ có thể đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy nền kinh tế trong ngắn hạn cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng vật chất. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút FDI nhiều hơn và đóng vai trò là nơi hội tụ của một số lượng ngày càng tăng các công ty đa quốc gia.

Khi Việt Nam chuyển từ giai đoạn ứng phó với khủng hoảng sang giai đoạn phục hồi, điều cần thiết là phải tập trung vào quản lý các rủi ro trong lĩnh vực y tế và tài chính vĩ mô cũng như phân bổ lại các nguồn lực tài khóa một cách chiến lược, nhằm duy trì khả năng phục hồi kinh tế của đất nước.

* PV: Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung đã và đang trải qua sóng gió lớn do hậu quả của Covid-19. Vậy, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- TS. Hoe Ee Khor: Một trong những thách thức trước mắt là mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đối với nhu cầu từ bên ngoài. Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra trở ngại cho sự phục hồi của phía cung. Trong khi đó, sự biến động trong chu kỳ công nghệ toàn cầu cũng là một yếu tố rủi ro.

Một rủi ro quan trọng khác cần theo dõi là sự bất trắc trên thị trường tài chính toàn cầu có thể dẫn đến sự biến động gia tăng trong dòng vốn, mặc dù Việt Nam có thể ít bị tổn thương hơn so với các nền kinh tế khu vực khác. Một trong những thách thức lớn đối với lĩnh vực tài chính là tác động của đại dịch đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng. Bất chấp những nỗ lực của các ngân hàng trong việc tái cơ cấu khoản vay và giảm lãi và phí, vẫn có khả năng chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng sẽ xấu đi và xói mòn bộ đệm vốn tương đối thấp của hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, việc Việt Nam kiểm soát tương đối thành công đại dịch Covid-19 trong thời gian qua có thể cung cấp nền tảng để tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư nước ngoài để có được khởi đầu phục hồi khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn hậu đại dịch.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Nền kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội để nâng cao triển vọng tăng trưởng

“Nguồn lao động cạnh tranh của Việt Nam, khả năng tiếp cận dễ dàng với các thị trường quan trọng trong khu vực và toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Chính phủ dành nhiều ưu đãi với các công ty nước ngoài, từ ưu đãi thuế đến quyền sử dụng đất khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đầu tư. Giữa những tác động của chuỗi cung ứng từ căng thẳng thương mại toàn cầu và đại dịch, các tập đoàn đa quốc gia đang chuyển địa điểm và đặt các cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam. Hơn nữa, số lượng các FTA ngày càng tăng của Việt Nam, gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa khả năng tiếp cận với những biến động của nhu cầu bên ngoài” - TS. Hoe Ee Khor

Luyện Vũ (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-24/viet-nam-trong-giai-doan-phuc-hoi-kinh-te-can-chu-trong-den-quan-ly-cac-rui-ro-tai-chinh-vi-mo-91368.aspx