Việt Nam tôn vinh đại dương

Cách đây hơn 25 năm, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất họp ở thành phố Rio de Janeiro, Brasin (1992), Chính phủ Canada đã đề xuất sáng kiến lấy ngày 8 tháng 6 là Ngày Đại dương thế giới. Sau đó, Ngày Đại dương Thế giới 8/6 đã được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục (UNESCO) thừa nhận tại sự kiện 'Năm quốc tế Đại dương' tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha) năm 1998, khi ấy Việt Nam là nước tham gia.

Vẻ đẹp biển Việt Nam

Từ Cuộc họp quốc tế năm 2002 về “Hành động cùng nhau vì tương lai của Hành tinh xanh” được tổ chức bởi Diễn đàn toàn cầu về Đại dương, Vùng bờ và Hải đảo (GFOCI), Mạng lưới Đại dương Thế giới (WON), Viện Đại dương quốc tế (IOI), Diễn đàn Aquarium quốc tế,…, hàng năm đã có hàng trăm tổ chức của trên 50 quốc gia đã tổ chức các hoạt động ngày này.

Ngày Đại dương Thế giới đã được xem là một sự kiện duy nhất nhằm tôn vinh các giá trị mà đại dương thế giới mang lại cho loài người và bày tỏ mối quan tâm gắn bó của loài người với biển và đại dương vì tương lai của chính mình. Mục tiêu chung của việc tổ chức Ngày Đại dương Thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà ra quyết định về vai trò cực kỳ quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hàng ngày của chúng ta, và cổ vũ các hành vi “vì sự bền vững của biển đảo”.

Trên thế giới cứ đến ngày này, để hưởng ứng người ta đã tổ chức một chuỗi sự kiện và hoạt đông như: các cuộc Tuần hành vì đại dương, các Con đường xanh kết nối con người, thủy sản và thị trường bền vững, Tọa đàm đại dương hòa bình, Thi nghệ thuật và văn hóa biển, Xây dựng lâu đài cát, Cấp hộ chiếu cho công dân đại dương,…Đặc biệt, các quốc gia có biển trên thế giới đã thông qua lần đầu tiên “Tuyên bố Đại dương Manado” tại Hội nghị Đại dương thế giới tổ chức ở In-đô-nê-xia ngày 14/5/2009, mà Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Việt Nam tham gia thảo luận và thông qua tuyên bố nói trên.

Nhờ những nỗ lực toàn cầu không mệt mỏi nói trên, từ năm 2009 Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã chính thức thông qua chủ trương lấy ngày 8 tháng 6 hàng năm là Ngày Đại dương Thế giới và yêu cầu các nước thành viên tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Mỗi năm Cục Đại dương và Luật Biển của Liên hiệp quốc với sự giúp đỡ của Mạng lưới Đại dương Thế giới (WON) đã lựa chọn, công bố một chủ đề và đưa ra thông điệp của ngày này. Chủ đề Ngày Đại dương Thế giới năm 2009 là ‘Chúng ta chỉ có chung một đại dương, một bầu khí quyển và một tương lai’ (One Ocean, One Climate, One Future). Chủ đề năm 2010 là “Đại dương của cuộc sống” (Ocean of Life),... Đây là những chủ đề bao trùm về đại dương với tư cách là hệ thống hỗ trợ cho sự sống trên Trái đất và đặc biệt về vai trò và mối quan hệ của đại dương với việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên toàn Trái đất, cũng như về khả năng duy trì nguồn vốn tự nhiên (marine natural asset) cho phát triển kinh tế đại dương/biển xanh (blue economy).

Biển Việt Nam

Có thể nói, Ngày Đại dương Thế giới (8/6) là "ngày hội" lớn của cộng đồng đại dương thế giới, trước hết đối với 183 quốc gia biển, quốc đảo là thành viên của Liên hiệp quốc, trong đó có Việt Nam. Nhận thức rõ ý nghĩa trọng đại của Ngày Đại dương Thế giới 8/6, cũng như tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức cuộc Tọa đàm về ‘Đại dương và Biến đổi khí hậu’ để hưởng ứng ngày này. Cuộc tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam. Các đại biểu tham gia tọa đàm cũng nhận thấy cần phải tổ chức ‘Tháng hoặc Tuần lễ biển đảo cho Việt Nam’ để có những hành động thiết thực, tập trung trong năm để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6. Hoạt động này đã đưa Việt Nam vào danh sách 11 nước đầu tiên trên thế giới tổ chức Ngày Đại dương Thế giới trong năm 2009 ngay sau khi nó được chính thức công nhận.

Ngày 06/3/2009 Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trong đó yêu cầu tổ chức hàng năm “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”. Ngày 12/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 950/TTg-KTN công nhận Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ven biển tổ chức Tuần lễ này từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6 hàng năm để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5 tháng 6) và Ngày Đại dương thế giới (8 tháng 6).

Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ là một “mốc sự kiện” có ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực quản lý biển và hải đảo không chỉ ở nước ta, mà cả đối với cộng đồng đại dương thế giới. Từ đó tới nay, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã trở thành một hoạt động được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh thế mạnh và tiềm năng của biển, hải đảo Việt Nam; khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam đối với biển, đảo và khẳng định các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; góp phần “đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển” theo tinh thần của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Thông qua những hoạt động thiết thực được tổ chức, Tuần lễ đã thu hút và tạo được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội.

Trong biển và đại dương có khoảng 180.000 loài động vật, 20.000 loài thực vật và 500 tỷ tấn hải sản/năm. Sản lượng khai thác cá biển cho phép hàng năm 600 triệu tấn, hiện mới chỉ khai thác gần 100 triệu tấn/năm. Biển và đại dương là đường giao thông huyết mạch của thế giới và các quốc gia có biển, khoảng hơn 2/3 lượng hàng hóa thương mại của thế giới vận chuyển qua đường biển. Diện tích các bồn trầm tích có triển vọng chứa dầu khí biển là 26,395 triệu km2. Ngoài ra, sắt, mangan, lưu huỳnh, silic, phôtphorit và đặc biệt là nguồn quặng đa kim (niken, coban, v.v) khổng lồ được ví như ‘món ăn của công nghiệp quốc phòng’ đã được tìm thấy dưới đáy và lòng đất dưới đáy biển có trữ lượng lớn.

Gần đây, thế giới biết thêm băng cháy (khí hydrat metan) trong các vùng biển và đại dương với trữ lượng gấp gần 2 lần tổng trữ lượng của các dạng năng lượng hóa thạch đã thấy ở thềm lục địa trên thế giới. Biển và đại dương còn có tiềm năng lớn về năng lượng thủy triều, sóng và dòng chảy biển, phong điện, năng lượng nhiệt đại dương, năng lượng muối đại dương,…Năng lượng biển có thể tạo ra sẽ gấp hơn 10 lần tổng năng lượng đã tạo ra hiện nay trên thế giới để phục vụ phát triển và dân dụng.

Tổng năng lực lọc và khử muối nước biển đạt khoảng 65 triệu m3/ngày, giải quyết được vấn đề nước uống cho khoảng 200 triệu người, tương ứng hàng năm lượng nước biển được sử dụng trực tiếp vượt 1.700 tỷ m3, bằng 60 hồ chứa thủy điện cỡ lớn. Biển, đại dương và đảo còn chứa đựng tiềm năng du lịch biển đảo to lớn, đa dạng, bao gồm các loại hình du lịch dưới đáy biển (du lịch lặn, du lịch nghỉ dưỡng trong các nhà kính, aquarium, v.v) và nghề cá giải trí (đánh cá, câu cá, ngắm cá giải trí và xuất khẩu cá cảnh rạn san hô).

Tổng giá trị ‘nguồn vốn tự nhiên’ biển và đại dương (marine natural asset) ít ra cũng khoảng 24.000 tỷ USD và tổng sản phẩm biển hàng năm (GMP) – tương đương tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia (GDP) - tối thiểu là 2,5 nghìn tỷ USD. Trên toàn thế giới, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển và các nguồn lợi biển đóng góp cho các nền kinh tế trên 5% GDP toàn cầu. Rõ ràng, tương lai của loài người phụ thuộc rất lớn vào biển và đại dương, nhất là khi số dân toàn cầu vượt mức 7 tỷ người và các nguồn lực trên đất liền dần cạn kiệt và bị ô nhiễm. Biển và đại dương cũng là nơi thu giữ khoản trên 30% lượng CO2 trong nhóm khí nhà kính từ bầu khí quyển.

Nhìn từ giác độ chiến lược, biển và đại dương được xem là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về các nguồn lương thực, thực phẩm, năng lượng và nguyên nhiên liệu. Nhưng biển và đại dương đang bị đầu độc, nguồn vốn tự nhiên đang bị bòn rút nhanh chóng; đại dương đang bị axit hóa, bị nóng lên, bị thiếu ôxy và tạo ra các “vùng biển chết”, nước biển đang dâng gây cho nhiều đảo thấp và các vùng đất thấp ven biển bị ngập, ô nhiễm biển/đại dương gia tăng và tài nguyên biển bị khai thác, sử dụng quá mức. Tuy nhiên, sự hiểu biết kỹ lưỡng về các vấn đề nói trên lại chủ yếu thuộc về các nhà khoa học và các nhà quản lý chuyên ngành, trong khi để quản lý, khai thác lâu dài nguồn lợi khổng lồ và giá trị này lại cần đến sự tham gia của các bên liên quan, các doanh nghiệp, các cộng đồng dân cư ven biển và của toàn xã hội.

Chính vì thế, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo nhân Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm là một nhiệm vụ có ý nghĩa khoa học, chính trị và xã hội rất lớn. Các hoạt động tuyên truyền thiết thực, có trọng tâm trọng điểm về các vấn đề của đại dương, Biển Đông và biển đảo nước ta sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy và hành vi của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị. Trong đó, cần chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại để kịp thời đưa hình ảnh và khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam luôn tôn vinh đại dương thế giới.

Biển là không gian sinh tồn của dân tộc, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước, là phần Tổ quốc thiêng liêng, không thể tách rời trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tình hình phức tạp ở Biển Đông. Biển mãi mãi quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cả dân tộc cùng đồng hành ra biển, chuẩn bị tốt điều kiện để sớm ra đại dương và tiếp tục khẳng định Việt Nam là quốc gia biển thành viên của Liên hiệp quốc luôn tôn trọng các giá trị toàn cầu và luật pháp quốc tế về đại dương và luôn hành động có trách nhiệm vì một Biển Đông và biển Việt Nam hòa bình, bền vững và thịnh vượng.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/viet-nam-ton-vinh-dai-duong-1253952.html