Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ Nhật Bản

(TBKTSG Online) – Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, từ chỗ xuất siêu, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập siêu từ Nhật Bản.

Từ xuất siêu, Việt Nam trở thành quốc gia nhập siêu từ Nhật Bản. Trong ảnh, nông dân Tiền Giang đang thu hoạch thanh long. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng quan hệ quốc tế của Cục Xúc tiến thương mại về thông tin và tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản cho biết tại hội thảo “Xúc tiến hàng nông, thủy hải sản vào thị trường Nhật Bản” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào hôm nay, 14-9.

Theo ông Hùng, nếu như năm 2011, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 21,18 tỉ đô la Mỹ, thì đến năm 2017 đã đạt 33,84 tỉ đô là Mỹ, tăng 12,66 tỉ đô la. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 20,93 tỉ đô la, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hùng cho biết, từ chỗ là quốc gia xuất siêu sang Nhật Bản, Việt Nam đã thành quốc gia nhập siêu. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2011-2014, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Nhật Bản, mà cụ thể là năm 2011 xuất siêu 380 triệu đô la, năm 2012 đạt 1,45 tỉ đô la, năm 2013 và 2014 lần lượt xuất siêu 2,02 và 1,76 tỉ đô la.

Thế nhưng, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập siêu. Theo đó, vào năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Nhật Bản 230 triệu đô la, năm 2016 là 390 triệu và năm 2017 là 120 triệu đô la. Riêng 7 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ Nhật Bản 93 triệu đô la.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2018, gồm hàng dệt may đạt 2 tỉ đô la; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỉ đô la; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1 tỉ đô la; hàng thủy sản đạt trên 734 triệu đô la; gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 620 triệu đô la, giày dép các loại đạt gần 493 triệu đô la…

Trong khi đó, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản gồm, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,5 tỉ đô la; máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện đạt 2,1 tỉ đô la, sắt thép các loại trên 909 triệu đô la; linh kiện, phụ tùng ô tô đạt trên 463 triệu đô la; sản phẩm chất dẻo đạt trên 480 triệu đô la; vải các loại gần 433 triệu đô la...

Các cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản

Về khuôn khổ pháp lý cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản, thì Nhật Bản đã ký kết hiệp định thương mại tự do với ASEAN (AJCEP), có hiệu lực từ ngày 1-12-2008; ký hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA), có hiệu lực từ ngày 1-10-2009.

Đối với AJCEP, Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan đối với 82% giá trị nhập khẩu từ Nhật Bản trong 16 năm và 69% giá trị nhập khẩu trong vòng 10 năm. Ngược lại, Nhật Bản cam kết loại bỏ thuế quan đối với gần 94% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam trong vòng 10 năm.

Ngay khi hiệp định có hiệu lực, Nhật Bản lập tức loại bỏ thuế quan đối với 7.287 dòng thuế, tương đương 80% biểu thuế. Riêng đối với hàng thủy sản, Nhật Bản giảm thuế từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống 1,31% năm 2019. Đặc biệt, tôm, cua, ghẹ và một số sản phẩm cá đã được hưởng thuế suất 0% ngay từ năm 2009.

Đối với VJEPA, trong vòng 10 năm, khoảng 92% hàng hóa sẽ được miễn thuế khi vào thị trường của mỗi bên; Việt Nam cam kết tự do hóa đối với 87,66% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm; Nhật Bản cam kết tự do hóa đối với 94,53% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278580/viet-nam-tiep-tuc-nhap-sieu-tu-nhat-ban.html