Việt Nam thuộc số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương

VEPR nhận định Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý 2/2020, đạt 0,36%. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 1,81%.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020. Báo cáo cho hay, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý 2/2020, đạt 0,36%. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 1,81%. Trong quý 2/2020, khu vực dịch vụ giảm 1,76% nhưng tăng 9,59% so với quý 1/2020.

Ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, mặc dù còn một số hoạt động dịch vụ chưa được phép mở cửa trở lại nhưng ngành dịch vụ đã phục hồi tương đối và đạt được mức tăng trưởng tốt so với quý trước. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng 2,95%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,3%; thông tin và truyền thông tăng 7,5%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 10%. Số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh trong quý 2 với 57 nghìn lượt người, chỉ bằng 1,4% so với cùng kỳ.

Việt Nam thuộc số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương trong 6 tháng đầu năm

Việt Nam thuộc số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương trong 6 tháng đầu năm

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 1,72%. Dịch tả lợn châu Phi, hạn mặn khiến sản lượng nông nghiệp không tăng nhiều. Ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn do vẫn chưa gỡ được thẻ vàng của Liên minh châu Âu. Hoạt động xuất khẩu nông sản giảm mạnh do dịch Covid-19. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%, trong đó ngành khai khoáng và ngành sản xuất & phân phối điện thu hẹp so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cũng cho biết, Covid-19 bùng phát toàn cầu, nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc phải đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,2% trong quý 2, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 4,96%. Tăng trưởng ngành công nghiệp khai khoáng trong quý 2 giảm 6,35% (tính chung nửa đầu năm giảm 5,4%) so với cùng kỳ năm trước, do sản lượng khai thác giảm. Trong quý 2, chỉ số Sản xuất công nghiệp (IPI) chỉ tăng 2,8% thấp hơn rất nhiều so với quý trước (5,28%).

Những khó khăn từ Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong quý 2. Nhiều quốc gia trên thế giới nhất là Trung Quốc đóng cửa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể do sụt giảm nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu. Trong khi đó mức độ lạc quan về kinh tế của các doanh nghiệp suy giảm. Những nguyên nhân trên khiến chỉ số Quản lý thu mua (PMI) suy giảm mạnh. Bắt đầu từ tháng 2, PMI giữ mức dưới 50 cho thấy nền sản xuất vẫn đang có xu hướng co hẹp, tuy vậy tốc độ co hẹp đang chậm lại.

Bước sang tháng 6, PMI đạt 51,1 cho thấy các dấu hiệu hồi phục ban đầu. Các diễn biến phức tạp gần đây của dịch Covid-19 tại các nước đối tác quan trọng của Việt Nam khiến khả năng hồi phục mạnh sản xuất trong năm nay là không mấy khả quan. Kết quả khảo sát về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy có 49,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất sẽ tốt lên trong quý 3; 19,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 31,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Số liệu cho thấy niềm tin kinh doanh trong quý 2 tốt hơn nhiều so với quý 1/2020. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 62.048 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 697 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507,2 nghìn lao động. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29,2 nghìn doanh nghiệp; 19,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 7,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Theo VEPR, dự báo từ nay cho đến hết năm, Covid-19 vẫn sẽ gây ảnh hưởng lên hoạt động của doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thể giảm do nền kinh tế đã bắt đầu sôi động trở lại, không còn bị cản trở bởi các biện pháp phong tỏa.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/viet-nam-thuoc-so-it-cac-quoc-gia-co-muc-tang-truong-kinh-te-duong-574532.html