Việt Nam thực hiện nhiều chính sách bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của người dân

Theo Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của người dân.

Theo Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của người dân.

Hiến pháp quy định công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã mở rộng cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bên cạnh việc khẳng định quyền bầu cử của công dân Việt Nam, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng quy định rõ những trường hợp không được ghi tên vào danh sách bầu cử bao gồm người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; người mất năng lực hành vi dân sự.

Cử tri xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Kết quả của bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 với tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 người, đạt 99,35% đã cho thấy người dân ngày càng ý thức rõ hơn về quyền bầu cử của mình và khẳng định sự quan tâm của người dân vào đời sống chính trị, trách nhiệm công dân và vai trò quan trọng của mình trong việc thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Tường hợp đặc biệt cần hoãn ngày vào phiếu, hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét quyết định.

Người không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải đảm bảo bí mật phiếu bầu của cử tri. Người bị khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Pháp luật Việt Nam cũng quy định các trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là người đang bị mất quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực; người đang chấp hành hình phạt tù; người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị khởi tố bị can; người đang chấp hành bản án quyết định hình sự của tòa án; người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích; người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định hành vi dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc… việc bầu cử ứng cử của công dân, vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu, hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

H.L

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/viet-nam-thuc-hien-nhieu-chinh-sach-bao-dam-quyen-bau-cu-ung-cu-cua-nguoi-dan-121459.html