Việt Nam thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao
Đó là nhận định của các chuyên gia giáo dục và công nghệ tại hội thảo 'Giải mã nghịch lý ngành Công nghệ: 'Đại bàng gõ cửa nhưng nhân lực khép cửa' ngày 1/11 bởi Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech và đơn vị hữu quan.
Thống kê từ TopDev cho thấy, đến 65% sinh viên công nghệ thông tin (CNTT) khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đa phần các sinh viên CNTT mới ra trường có thời gian hạn chế để làm quen với các công nghệ lập trình thực tế. Chủ yếu thời gian học tại các trường Đại học vẫn chia cho các môn đại cương, cơ sở và thực tập. Tại các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh hay Hàn Quốc, học sinh được học lập trình từ sớm, trước khi vào đại học đã quen thuộc với ngôn ngữ Python, Java...
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, yếu tố then chốt trong chuyển đổi số là nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực CNTT có chất lượng cao. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ số, dự kiến trình Thủ tướng trong quý IV năm nay.
Theo ông Tô Hồng Nam, hiện có một nghịch lý là nhiều cử nhân CNTT vẫn thất nghiệp trong khi doanh nghiệp không tìm được nhân lực đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết vấn đề này, ông Tô Hồng Nam đề xuất triển khai việc đào tạo CNTT ngay từ cấp THPT và thậm chí sớm hơn, để học sinh được trang bị nền tảng kiến thức về STEM, lập trình và tư duy logic từ sớm.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), cho rằng rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn với nguồn nhân lực trẻ đam mê công nghệ và giỏi toán học. Nhưng để biến nguồn nhân lực dồi dào thành nguồn lực có chất lượng cao cần nhiều thời gian, sự đầu tư và chiến lược đào tạo rõ ràng.
Đại diện IBM Việt Nam, ông Ngô Thanh Hiền cho biết, khi IBM mở trung tâm gia công phần mềm tại Việt Nam vào năm 2002, dù kỳ vọng tăng số lượng lập trình viên nhưng thực tế là việc tìm kiếm các lập trình viên có kỹ năng lại là một thách thức lớn. Sau hơn một thập kỷ, số lượng lập trình viên tuy đã tăng nhưng vấn đề chất lượng vẫn tồn tại, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào mô hình đào tạo CNTT như ở các nước tiên tiến, trong đó chương trình học được phân bổ hợp lý giữa các cấp học, nhằm giúp học sinh có nền tảng CNTT trước khi bước vào đại học. Ví dụ, trong chương trình giáo dục THPT tại Mỹ và Anh, môn tin học được bắt buộc với các mạch kiến thức về ứng dụng công nghệ, khoa học máy tính, giúp học sinh làm quen với các công nghệ lập trình cơ bản và xác định hướng đi nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT từ sớm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia công nghệ cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải sẵn sàng để “mở cửa” đón nhận các “đại bàng công nghệ” vào đầu tư và hợp tác. Ông nhấn mạnh rằng công nghệ không phân biệt tuổi tác, và giới trẻ Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp thu công nghệ nhanh chóng. Tuy nhiên, cần có sự thay đổi trong tư duy đào tạo và ý thức tự chủ trong việc học, không chỉ chạy theo bằng cấp mà phải nỗ lực nâng cao chất lượng chuyên môn và kỹ năng mềm.
Ông Ngô Thanh Hiền thông tin, mức thu nhập cho một lập trình viên vừa tốt nghiệp có thể lên tới 40 – 50 triệu đồng, cho thấy sự hấp dẫn của ngành CNTT với thị trường lao động. Tuy nhiên, để đạt được những vị trí công việc tốt, sinh viên cần không ngừng cập nhật xu thế công nghệ, hiểu biết về những yêu cầu từ các tập đoàn lớn và tích cực tham gia vào các sân chơi công nghệ. Điều này giúp sinh viên không chỉ làm quen với môi trường CNTT quốc tế mà còn trang bị thêm kỹ năng thực tiễn.