Việt Nam thế nước đang lên

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt.

Nhìn lại chặng đường 8 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh Vietnamnet.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh Vietnamnet.

Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Và đây chính là cơ sở và nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm "chậm" sự phát triển đất nước, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Hơn thế nữa, chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", nhất là vào dịp chúng ta đang chuẩn bị để tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020).

Vì sự phát triển của Cộng đồng ASEAN tới năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng ta cùng củng cố sự đoàn kết, hợp tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thấu hiểu và chia sẻ trong AIPA, lấy lợi ích của người dân là trung tâm hành động trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc gia và pháp luật quốc tế.

Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; mở rộng hợp tác với các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần đổi mới hoạt động và nâng cao hiệu quả của AIPA, “biến lời nói thành hành động”, vì một tương lai tốt đẹp hơn thông qua việc xây dựng Tầm nhìn của AIPA;

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Khẳng định ngoại giao nghị viện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, vì sự gắn kết và chủ động thích ứng; nâng cao khả năng tự cường trong ASEAN; cần tăng cường hơn nữa thông tin, tuyên truyền tới mọi người dân về AIPA, ASEAN nhằm nâng cao hiểu biết lẫn nhau và củng cố niềm tin - một nền tảng quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực của ASEAN”.

(Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41).

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với việc tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật thời gian qua đã tạo nền móng vững chắc, “bệ đỡ” cho các lĩnh vực khác phát triển; góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Một quốc gia thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên là thể chế, pháp luật. Chúng ta thường hay lo các vấn đề mang tính sự vụ, dự án này, dự án kia mà chưa quan tâm nhiều đến công tác xây dựng thể chế. Phải sửa lại thói quen làm việc, phải quan tâm nhiều hơn nữa đến thể chế chính sách.

Để thực hiện công việc quan trọng, xuyên suốt là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chú trọng nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương.

(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của Chính phủ về Công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật tháng 11/2020).

TS. Đào Văn Hội - Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/viet-nam-the-nuoc-dang-len-d148123.html