Việt Nam - thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của ASEAN

LTS: Ngày 28-7-1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhân kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập 'mái nhà chung' ASEAN, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài nhìn lại chặng đường 1/4 thế kỷ Việt Nam không ngừng ghi dấu ấn là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, đóng góp quan trọng vào sự phát triển và lớn mạnh của hiệp hội.

Bài 1: Ý muốn “gặp nhau”

Quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN gắn liền với những chủ trương lớn về đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Không phải ngẫu nhiên

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đứng trước những khó khăn mà theo như lời nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan là tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ở trong nước, chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng, kéo dài. Về đối ngoại, chúng ta phải đương đầu với tình trạng bị cô lập về chính trị, bị bao vây cấm vận về kinh tế do “những cái cớ ngụy tạo”.

Trong bối cảnh đó, Đại hội VI của Đảng, xuất phát từ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đã xác định chủ trương tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó khẳng định: “Trong những năm tới, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực đối ngoại là ra sức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại”. Đến tháng 5-1988, Bộ Chính trị khóa VI ra Nghị quyết số 13 về “nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”, nhấn mạnh chính sách “thêm bạn bớt thù”, đa dạng hóa quan hệ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi, đánh dấu một bước khởi đầu của quá trình đổi mới tư duy, nhận thức và đường lối đối ngoại của Việt Nam. Tới Đại hội VII, Đảng ta đưa ra đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế với phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Trên cơ sở những đổi mới về tư duy và chính sách đối ngoại, việc cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á trở thành một ưu tiên của Việt Nam. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đó muốn chấm dứt tình trạng bị cô lập ngoại giao và muốn phát triển kinh tế đất nước. Một chính sách mới với các nước láng giềng là cần thiết để đưa Việt Nam tiến lên và đó chính là chú trọng tới khu vực Đông Nam Á”, Đại sứ Ong Keng Yong, nguyên Tổng thư ký ASEAN, hiện là Phó chủ tịch điều hành Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Tuyên bố kết nạp Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN ngày 28-7-1995. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Tuyên bố kết nạp Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN ngày 28-7-1995. Ảnh: TTXVN.

Ở chiều ngược lại, theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, các nước Đông Nam Á cũng đã “đánh tiếng” với Việt Nam. Trên thực tế, điều này hoàn toàn không phải là một sự ngẫu nhiên. “Khi "chiến tranh lạnh" kết thúc, xu thế hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á trỗi dậy. Hơn nữa, ở thời điểm đó, các nước Đông Nam Á, như: Singapore, Thái Lan hay Malaysia đều đã nắm bắt cơ hội, trở thành những nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Các nước Đông Nam Á có lợi ích trong việc cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực để làm sao có hòa bình, ổn định, có thị trường để phát triển. Cũng vì thế mà Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ Chatichai Choonhavan mới đưa ra khẩu hiệu biến Đông Dương “từ chiến trường thành thị trường”. Trong khi đó, Việt Nam cũng muốn tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Các nước Đông Nam Á chính là môi trường rất gần chúng ta và có tiềm lực kinh tế. Như vậy là ý muốn của Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã gặp nhau”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan khẳng định.

Câu nói của Bác Hồ

Cũng từ đây, quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á ghi nhận những bước phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã đi thăm một loạt nước Đông Nam Á trong năm 1991 và đầu năm 1992. Để rồi vào tháng 7-1992, Việt Nam tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên, tham dự các hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) hằng năm. Trong thời gian này, Việt Nam đồng thời bắt đầu tham gia các hoạt động của một số ủy ban hợp tác chuyên ngành ASEAN. Năm 1994, Việt Nam được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của diễn đàn này. Tại AMM 27 ở Thái Lan (tháng 7-1994), các nước ASEAN bày tỏ sẵn sàng kết nạp Việt Nam làm thành viên và Việt Nam cũng khẳng định sẵn sàng gia nhập hiệp hội. “Lúc bấy giờ, ASEAN đang mong muốn hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á. Việc Việt Nam khởi xướng công cuộc đổi mới vào năm 1986 thu hút sự quan tâm của các nền kinh tế lớn trong ASEAN. Người ta nhận thấy được rằng kết nạp Việt Nam sẽ đem lại sự đa dạng hơn cho ASEAN, mang tới tầm nhìn rộng lớn hơn về một Cộng đồng ASEAN”, Giáo sư Pankaj Jha của Trường Quan hệ Quốc tế Jindal (Ấn Độ) nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân.

Kết quả là vào ngày 28-7-1995, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei trong buổi lễ trang trọng kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN nhân dịp AMM 28. Trực tiếp tham dự buổi lễ tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei khi ấy, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã không giấu được niềm xúc động. “Buổi lễ diễn ra vào buổi chiều. Bầu trời Brunei hôm ấy trong vắt, rất đẹp. Tôi bất chợt nhớ tới câu nói của Bác Hồ khi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào tháng 5-1947, rằng “thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”. Đây vốn là chính sách ngoại giao nhất quán của chúng ta nhưng vì những hoàn cảnh cụ thể mà mấy chục năm trước chưa thể thực hiện được”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.

(còn nữa)

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/viet-nam-thanh-vien-tich-cuc-chu-dong-va-co-trach-nhiem-cua-asean-629103