Việt Nam thành 'miếng bánh ngon' thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung như hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định sắp có sự chuyển dịch đầu tư từ 2 thị trường lớn này sang các thị trường tiềm năng khác như Ấn Độ, Đông Nam Á... Việt Nam là quốc gia được dự báo sẽ nhận được nhiều lợi ích.

Doanh nghiệp FDI “né” Mỹ và Trung Quốc, tìm thị trường khác

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cao cấp Quản lý Nhà nước nhận định, “đấu đá” thương mại quyết liệt như hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp FDI tại Mỹ lẫn Trung Quốc đang dần có hướng chuyển dịch đầu tư sang các nền kinh tế khác để “né” ảnh hưởng thuế từ 2 phía. Các dòng vốn FDI từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ chuyển hướng sang châu Á, ASEAN mà đặc biệt Việt Nam và Indonesia sẽ là 2 quốc gia dự báo được đầu tư cao nhất. Dòng vốn này cũng được nhiều chuyên gia nhận định là sẽ rất lớn và có sự đột biến.

Theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam), các doanh nghiệp Đức muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong vòng 12 tháng tới và 52% muốn tuyển thêm nhân sự tại nhà máy của mình.

Cuộc khảo sát có sự tham gia hơn 3.500 doanh nghiệp Đức trên toàn cầu đã đánh giá và đưa ra nhận định về sự phát triển của thị trường nước sở tại về doanh nghiệp của họ cũng như những dự định trong tương lai.

Kết quả cho thấy kỳ vọng của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tương đối khả quan, với 54% doanh nghiệp Đức muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại đây trong vòng 12 tháng tới và 52% muốn tuyển thêm nhân sự tại nhà máy của mình.

Theo ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam: Việt Nam là đối tác quan trọng của châu Âu và Đức trong khối ASEAN. Từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp cũng đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất của mình sang các quốc gia lân cận Trung Quốc để tránh những biện pháp tăng thuế đang được áp dụng trong cuộc tranh chấp này.

Dệt may đi đầu trong thay đổi công nghệ nhằm tạo điểm nhấn trong mắt các nhà đầu tư mới. (Ảnh: Kim Ngọc).

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cấp cao, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). (Ảnh: Kim Ngọc).

Doanh nghiệp các ngành chủ lực Việt Nam chuẩn bị tư thế “đón sóng”

Ông Nguyễn Văn Cần, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Tổng công ty Dệt may 28 cho biết công ty hiện đang tiến hành đầu tư, thay đổi hàng loạt máy móc có tiêu chuẩn kỹ thuật cao từ các quốc gia có công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất.

“Các máy móc của ngành may đã được sử dụng cách nay từ 10-15 năm sẽ được thay thế bằng các thiết bị dệt may thế hệ mới sản xuất từ năm 2016-2017 có nguồn gốc từ các nước châu Âu. Các bài toán tự động hóa để nâng cao năng suất thêm 8-10% một năm so với máy móc cũ “cũng được chúng tôi quan tâm” - ông Cần chia sẻ

Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực và được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều trong bối cảnh hiện nay nên các doanh nghiệp trong nước cũng hiểu rõ việc đầu tư công nghệ mới hỗ trợ rất nhiều từ khâu đo đạc, cắt vải và ước lượng mẫu mã kiểu dáng chuẩn hơn. Điều này giúp các doanh nghiệp nâng cao được hiệu quả sản xuất và quản lý, tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian để tăng cường cạnh tranh chất lượng với các thị trường tương đương.

Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty dệt may An Phước chia sẻ: “Để phát triển bù đắp khâu nhân sự, chúng tôi buộc phải cải tiến về trang thiết bị, cải tiến từng bộ phận, nhà máy tự động, đặc biệt quan tâm đến máy cắt để tăng độ chính xác cao”.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng khá kỳ vọng khi đầu tư các thiết bị hiện đại cho các công đoạn như: Cắt vải, in ấn, đóng khuy, nút… với mong muốn hạn chế nguồn lao động chân tay truyền thống để cắt giảm chi phí và mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với trước đó.

Theo các chuyên gia, việc thay đổi đầu tư máy móc và thiết bị công nghệ cho ngành dệt may là một xu thế tất yếu. Nhân công rẻ đã không còn là lợi thế của Việt Nam trong làn sóng công nghệ mạnh mẽ như hiện tại. Sự cạnh tranh quá lớn từ các thị trường Ấn Độ, Campuchia và Bangladesh khiến doanh nghiệp trong nước phải chứng minh được năng lực và thay đổi tích cực để nắm bắt cơ hội.

Ngoài dệt may, thủy sản cũng là một trong những ngành chủ lực được hưởng nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư. Bởi, hiện nay, việc Mỹ đánh thuế nặng lên thủy sản Trung Quốc, cụ thể gói 200 tỷ USD Mỹ áp thuế các mặt hàng Trung Quốc gồm đồ nội thất, nông sản và thủy sản. Trong đó, Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với các sản phẩm tôm của Trung Quốc với các mã HS 03061700, 16052105, 16052110, 16052905, 16052910. Đây cũng là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá và thuế suất với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Hơn nữa, tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ. Khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có ý định tìm và đầu tư hợp tác nhằm đẩy mạnh hơn nữa lợi thế con tôm Việt vào Mỹ, thay thế Trung Quốc.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn chưa bị tác động quá lớn thậm chí là được hưởng lợi ở nhiều ngành hàng. Các mặt hàng chủ lực như đồ gỗ nội thất Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế 10% và dự báo chịu thuế 25% vào cuối năm nay sẽ giảm 7 tỷ USD mặt hàng này vào Mỹ. Vì vậy lợi thế cho đồ gỗ nội thất Việt Nam tương đương sẽ là tăng xuất khẩu vào Mỹ để lấp khoảng trống này.

Vẫn còn nhiều rào cản

Dự báo khả quan như vậy nhưng ông Trần Du Lịch khẳng định, trong bối cảnh hiện nay dù dự báo nhận được dòng vốn mạnh nhưng Việt Nam sẽ thua thiệt nhiều nước khác trong khu vực để thu hút đầu tư. “Việt Nam hiện có 2 trở ngại lớn để cạnh tranh với Indonesia trong thu hút đầu tư. Thứ nhất, hạ tầng kém, chi phí và logistics của nước ta còn quá cao. Thứ hai, môi trường kinh doanh không được cải thiện tốt là mối lo ngại lớn cho Việt Nam trong cạnh tranh thu hút đầu tư” - ông Trần Du Lịch nói.

Ngoài giải quyết các vấn trên các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao khả năng quản trị, quản lý của đội ngũ nhân lực hiện nay, nhằm nhanh chóng nắm bắt các công nghệ mới được chuyển giao từ các nhà đầu tư.

Đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã áp đặt 3 vòng thuế quan với hàng nhập khẩu Trung Quốc với tổng trị giá 250 tỷ USD, Trung Quốc cũng trả đũa bằng cách áp đặt thuế lên các sản phẩm Mỹ. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đe dọa đánh thuế lên hầu như tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa khoảng 500 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia xuất siêu vào Mỹ và nhập siêu từ Trung Quốc, cộng thêm vị trí địa lý cạnh Trung Quốc là “miếng bánh” ngon cho các nhà đầu tư.

Kim Ngọc

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/viet-nam-thanh-mieng-banh-ngon-thu-hut-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-d72297.html