Việt Nam thận trọng với các sản phẩm biến đổi gen

TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam nhận định, Việt Nam đang chọn phương án an toàn và thận trọng với thực phẩm biến đổi gen được trồng ở trong nước và sản phẩm biến đổi gen nhập khẩu.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam.

67 quốc gia sử dụng sản phẩm biến đổi gen

Cây trồng biến đổi gen đã bắt đầu được phổ biến rộng rãi từ năm 1996, được coi là một trong số nhiều giải pháp giúp bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm toàn cầu. Loại cây trồng này có nhiều tác động to lớn lên đời sống kinh tế - xã hội – môi trường, đặc biệt là công nghệ biến đổi gen kháng sâu bệnh và chống chịu thuốc trừ cỏ đã giúp làm giảm 8,2% lượng thuốc trừ sâu cần sử dụng, tăng thu nhập cho các nông hộ 186,1 tỷ USD, tăng 659 triệu tấn sản lượng nông nghiệp trên toàn cầu và làm giảm 27,1 tỷ khí thải nhà kính.

Tính tới năm 2017, có 67 quốc gia sử dụng cây trồng biến đổi gen, bao gồm 24 quốc gia canh tác cây trồng biến đổi gen (19 nước đang phát triển và 5 nước công nghiệp); cùng 43 quốc gia khác (trong đó EU được tính là 1) cấp phép chính thức nhập khẩu và sử dụng cây trồng biến đổi gen với mục đích làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chế biến.

TS Graham Brookes, Giám đốc PG Economics (một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng thế giới về công nghệ sinh học và cây trồng) cho biết, cùng với con số 189,8 triệu héc ta diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu, việc tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ sinh học đồng thời mang đến các tính trạng, đặc tính dinh dưỡng có lợi, có thể giúp bù đắp tình trạng suy giảm dinh dưỡng gây ra bởi biến đổi khí hậu trên một số cây trồng cụ thể.

Hiện nay, toàn cầu đang đối mặt với vấn đề tăng dân số và sự biến đổi khí hậu; đất đai nông nghiệp đang bị co lại do quá trình đô thị hóa. Vì thế, việc có mặt cây trồng biến đổi gen sẽ tăng năng suất, bảo đảm lương thực, đặc biệt cho nước nghèo. Triển khai trồng giống cây này được coi là một trong những giải pháp bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.

Việt Nam đang rất thận trọng với cây trồng biến đổi gen

Mới đây nhất tại Hà Nội, Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Tổ chức CropLife Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Dinh dưỡng, An ninh và An toàn thực phẩm trong bối cảnh Hội nhập”. Tại đây, các nhà khoa học đưa ra nhiều tranh luận về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen lên sức khỏe con người.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho hay, nhiều người còn e ngại tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen, đặc biệt ngay cả thế giới cũng có những nhà nghiên cứu cho rằng: thực phẩm biến đổi gen có thể làm ảnh hưởng tới gen con người. Tuy nhiên, BS Trương Hồng Sơn cho biết, các loại thực phẩm khi ăn vào cơ thể sẽ hấp thụ trong ruột, dạ dày là protein, lipit chứ không hấp thụ gen đó. Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định thực phẩm biến đổi gen có tác động tới gen của con người.

“Các thực phẩm biến đổi gen là một trong những sản phẩm được kiểm duyệt vô cùng gắt gao trước khi được đem ra thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm này phải bảo đảm tính an toàn cho sức khỏe con người, được đánh giá trên nhiều tiêu chí như có sự tương đồng với thực phẩm gốc, bảo đảm tính an toàn về dị ứng, không độc… Cho đến thời điểm này, các tổ chức lớn và uy tín trên thế giới như WHO, FAO, FDA, EPA đều khẳng định thực phẩm biến đổi gen là an toàn, có giá trị dinh dưỡng tương tự như thực phẩm không biến đổi gen và chưa thấy có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe con người”, BS Sơn cho hay.

Mặc dù tình hình an ninh lương thực thực phẩm ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, tỷ lệ thiếu ăn vẫn còn cao, đặc biệt là ở Tây Nguyên, miền núi phía bắc và các vùng hay gặp thiên tai. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tại Việt Nam đã xuất hiện cây trồng biến đổi gen nói chung và thực phẩm biến đổi gen nói riêng.

Về sản xuất trực tiếp, từ năm năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có chiến dịch trồng cây ngô biến đổi gen. Việt Nam lựa chọn loại cây dựa trên cơ sở giống biến đổi gen này đã được năm quốc gia phát triển (Mỹ, Canada, Trung Quốc, Australia, Brazil) sản xuất và kiểm định chặt chẽ về tính an toàn cho lưu hành sản phẩm. Tám năm qua, cây ngô biến đổi gen này được trồng tại các tỉnh miền bắc và khu vực Tây Nguyên và ít nhiều cũng đem lại lợi ích cho người dân.

Đối với các sản phẩm biến đổi gen nhập khẩu, Việt Nam quy định sản phẩm nào có hơn 5% thành phần là biến đổi gen phải dán nhãn để người dân biết, lựa chọn.

Các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam đang có đánh giá tình hình và quản lý hợp lý trong thời gian này. “Việt Nam đồng ý áp dụng khoa học công nghệ nhưng phải được thẩm định bởi các nước trên thế giới có nền khoa học phát triển. Việt Nam đang chọn phương án an toàn và thận trọng với sản phẩm biến đổi gen”, TS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.

Các nhà khoa học nhấn mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiến hành các nghiên cứu về khả năng áp dụng, tác động của công nghệ biến đổi gen lên đời sống kinh tế - xã hội – môi trường trên nhiều vùng khác nhau, cũng như các thử nghiệm dài hạn về tác động của thực phẩm biến đổi gen mới lên tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe.

LAM NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/37732502-viet-nam-than-trong-voi-cac-san-pham-bien-doi-gen.html