Việt Nam tham gia thí điểm dự án y tế toàn cầu mới của WEF

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Đại học Kinh tế London (LSE) và AstraZeneca đã sáng lập Dự án 'Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của Hệ thống y tế toàn cầu' (PHSSR). Dự án này ra đời nhằm khởi động một nỗ lực đa ngành, rộng khắp để giúp các hệ thống y tế có thể tiên đoán trước, ngăn ngừa và thích ứng với những thách thức về y tế khác nhau mà thế giới đang phải đối mặt.

Đại sứ Anh Gareth Ward và Nhóm nghiên cứu và triển khai dự án tại Việt Nam

Đại sứ Anh Gareth Ward và Nhóm nghiên cứu và triển khai dự án tại Việt Nam

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một thử thách vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở nhiều quốc gia, gây ra nhiều đau khổ cho nhân loại, và cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống y tế và nền kinh tế ở cả cấp quốc gia lẫn toàn cầu. Tình thế này khiến khả năng chống chịu và tính bền vững của hệ thống y tế trở thành một vấn đề thu hút sự quan tâm của cả thế giới.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Đại học Kinh tế London (LSE) và AstraZeneca đã sáng lập Dự án “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của Hệ thống y tế toàn cầu” (PHSSR). Dự án này ra đời nhằm khởi động một nỗ lực đa ngành, rộng khắp để giúp các hệ thống y tế có thể tiên đoán trước, ngăn ngừa và thích ứng với những thách thức về y tế khác nhau mà thế giới đang phải đối mặt.

Sáng kiến hợp tác đã chính thức được công bố tại Việt Nam vào tối 17/11, với sự hiện diện của Đại sứ Anh Gareth Ward; Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe; TS. Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế. Bộ Y tế; TS. Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, ông Nitin Kapoor cùng các chuyên gia y tế và đối tác trong nước khác.

Trong giai đoạn thí điểm kéo dài đến tháng 1/2021, Dự án sẽ được triển khai tại tám quốc gia bao gồm Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nga, Ba Lan và Việt Nam, trong đó Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất vì những kinh nghiệm và chuyên môn y tế riêng biệt, bao gồm việc phòng chống COVID-19 vô cùng hiệu quả.

Nhóm nghiên cứu tại Việt Nam, dẫn dắt bởi TS. Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (HSPI), sẽ áp dụng một Khuôn khổ mới, phát triển bởi LSE, để tiến hành khảo sát nhanh về tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế trong nước, từ đó xác định các giải pháp thiết thực để nâng cao các phương diện này vì lợi ích của người dân Việt Nam. Tương tự như của các quốc gia thí điểm khác, báo cáo của Việt Nam sẽ tập trung vào các yếu tố chính có tính chất quyết định khả năng chống chịu và tính bền vững của hệ thống y tế, điển hình như:

Cách thức lãnh đạo và quản lý hệ thống y tế; Các thức hoạch định và phân bổ ngân sách của hệ thống y tế; Lực lượng nhân viên chăm sóc y tế và sức khỏe; Cách thức hệ thống y tế khai thác dược phẩm và công nghệ mới; Cách thức tổ chức và cung cấp các dịch vụ y tế. Các khuyến nghị chính sách trong giai đoạn thí điểm sẽ là nền tảng thông tin cho “Cuộc đại tái thiết”- The GreatReset - một sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - và sẽ được công bố tại sự kiện trực tuyến vào tháng 1 năm 2021.

Đại sứ Anh Gareth Ward phát biểu tại lễ công bố

Đại sứ Anh Gareth Ward cho biết: “Tôi rất vui mừng vì cả Việt Nam và Vương quốc Anh cùng được lựa chọn tham gia vào giai đoạn thí điểm của Dự án này. Việc trao đổi kiến thức và kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta tăng cường hệ thống y tế của cả hai nước và chuẩn bị tốt hơn cho những khủng hoảng y tế có thể nảy sinh trong tương lai. Tôi tin rằng sáng kiến đầy ý nghĩa này sẽ tạo nên ảnh hưởng tích cực ở cả cấp quốc gia và toàn cầu, đồng thời tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực y tế”.

Ba đại diện cấp cao của các đối tác sáng lập cũng đã có bài trình bày trực tuyến tại lễ công bố. Theo GS. Ali McGuire, Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Khoa Chính sách Y tế tại LSE, ông Arnaud Bernaert, Trưởng ban Định hình Tương lai của Y tế và Chăm sóc Sức khỏe tại WEF, và ông Stefan Weber, Giám đốc Chính sách Toàn cầu tại AstraZeneca, hy vọng rằng cuối năm nay, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tiên phong triển khai những giải pháp do Dự án mang lại.

Ba chuyên gia này cũng nhận định rằng: “Dù khó có thể hình dung được ở thời điểm này, nhưng sẽ đến lúc COVID-19 không còn là mối quan tâm sức khỏe lớn nhất của cả thế giới. Thay vì chỉ tập trung vào việc kiểm soát đại dịch, chúng ta cần xây dựng các hệ thống y tế có khả năng ứng phó với những thách thức thường xuyên lẫn bất ngờ. Chúng tôi muốn làm được điều này bằng cách phá bỏ các rào cản ngăn cách giới học giả, doanh nghiệp và lĩnh vực công, đồng thời tạo ra một nền tảng để phổ biến những tìm tòi mang tính đột phá, cũng như tạo điều kiện để các hệ thống y tế áp dụng theo”.

Ông Nitin Kapoor cũng chia sẻ: “Dù tạo ra những hậu quả to lớn, nhưng đại dịch này cũng chính là thời cơ để chúng ta hành động. Bên cạnh nhận thức cộng đồng mạnh mẽ chưa từng có do COVID-19 tạo ra, chúng tôi nhận thấy rằng đi cùng với đó là cả quyết tâm chính trị trong việc giải quyết các vấn đề y tế toàn cầu. Sự lãnh đạo dứt khoát và hành động nhanh chóng của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch thực sự truyền cảm hứng cho thế giới. Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam, và Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, cũng như các tổ chức và chuyên gia y tế khác trong nước, nhằm tối đa hóa ảnh hưởng của Dự án này và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho bệnh nhân tại Việt Nam”.

Tin, ảnh Mạnh Hùng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-giao/viet-nam-tham-gia-thi-diem-du-an-y-te-toan-cau-moi-cua-wef-568158.html