Việt Nam, Thái Lan 'bứt tốc' trong Đông Nam Á về thanh toán di động

Chính phủ các nước Đông Nam Á đang thúc đẩy các nỗ lực để tạo ra các nền kinh tế phi tiền mặt và trong cuộc đua này Việt Nam và Thái Lan bứt tốc so với một số nền kinh tế giàu hơn như Singapore và Malaysia.

 Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu Đông Nam Á về thanh toán di động với tỉ lệ thâm nhập lần lượt 61% và 67%. Ảnh: Zdnet

Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu Đông Nam Á về thanh toán di động với tỉ lệ thâm nhập lần lượt 61% và 67%. Ảnh: Zdnet

Việt Nam và Thái Lan đang chứng kiến cơn bùng nổ thanh toán di động khi ngày càng có nhiều người dân sử dụng các ví điện tử để thanh toán và dich vụ mà không cần phải thông qua một ngân hàng trung gian.

Việt Nam đã thúc đẩy thanh toán điện tử kể từ năm 2008. Chỉ có 40% trong 95 triệu người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng và phần lớn họ sinh sống ở các khu vực đô thị. Song Việt Nam có một lợi thế lớn để phát triển thanh toán di động: có đến 120 triệu thuê bao di động đăng ký ở Việt Nam và mạng lưới viễn thông phủ sóng khắp đất nước.

Các công ty viễn thông và công nghệ thông tin ở Việt Nam bao gồm VNPT, Viettel, FPT đã ra mắt các ví điện tử và khuyến khích người dân hạn chế sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, những ví điện tử này không gây nhiều sức hút cho đến thời điểm gần đây.

Trong khi đó, Malaysia tăng từ 23% lên 40% và Philippines tăng từ 31% lên 45%. Indonesia là nước có tỉ lệ người dùng thanh toán di động tăng chậm nhất từ 38% lên 47%. Singapore cũng chứng kiến tỉ lệ người dùng thanh toán di động tăng chậm từ 34% vào năm 2018 lên 46% vào năm 2019.

Cuộc khảo sát của PwC, được tiến hành với 21.000 người ở 27 nước và vùng lãnh thổ, cũng cho thấy Trung Quốc là nước dẫn đầu về thanh toán di động với tỉ lệ thâm nhập 86%.

Ứng dụng thanh toán di động Momo, một trong những ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam, đã cán mốc 10 triệu người dùng vào tháng 11 năm ngoái, tăng gấp 10 lần so với cách đây hai năm.

Momo đang tiếp tục huy động vốn đầu tư. Hồi tháng 1-2019, Momo đã tổ chức vòng gọi vốn lần thứ 3 (Series C), thu hút nguồn vốn 100 triệu đô la từ một nhóm nhà đầu tư do công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Warburg Pincus dẫn đầu, theo trang tin Kr-asia.com. Năm 2016, Momo đã được Ngân hàng Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity rót 28 triệu đô la.

ZaloPay, một ứng dụng thanh toán di động khác của Việt Nam, cũng đang chứng kiến lượng người dùng tăng trưởng nhanh chóng kể từ khi thành lập vào năm 2017 nhờ mạng lưới người dùng 100 triệu người dùng Zalo trên toàn cầu ở công ty mẹ VNG.

Ngay cả Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) cũng đang đặt cược vào thị trường thanh toán di động Việt Nam. GIC là nhà đầu tư dẫn đầu trong vòng gọi vốn hồi đầu tháng này của Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay). Trang DealStreetAsia cho biết vòng gọi vốn này huy động đến 50 triệu đô la.

Theo Nikkei Asian Review

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287870/viet-nam-thai-lan-but-toc-trong-dong-nam-a-ve-thanh-toan-di-dong.html