Việt Nam sẽ tự sản xuất vắc xin lở mồm long móng vào năm 2018

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2018, Việt Nam sẽ có vắc xin lở mồm, long móng (LMLM) sản xuất ở quy mô công nghiệp và lưu hành toàn quốc.

Hy vọng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất thuốc thú y, từ năm 2018, vắc xin LMLM “Made in Việt Nam” sẽ chính thức ra mắt, phục vụ người chăn nuôi trong nước. Ảnh: Bình An

Ba doanh nghiệp được Bộ cho phép tham gia thực hiện Đề án “Thí điểm vắc xin thương mại sử dụng chủng vi rút LMLM lưu hành tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020” gồm: Cty Cổ phần (CP) Thuốc Thú y Trung ương Navetco; Cty CP Phát triển công nghệ nông thôn RTD và Cty CP Thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet.

LMLM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi gia súc. Đây là bệnh được Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) quy định bắt buộc phải báo cáo khi có dịch xảy ra và là đối tượng kiểm dịch vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc. Hiện nay, thế giới có 7 typ virus LMLM đang lưu hành và có khoảng 76 typ phụ.

Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch LMLM, nhất là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng chống dịch bệnh LMLM gồm 3 giai đoạn (2006-2010; 2011-2015 và 2016-2020). Tuy nhiên, do không sản xuất được vắc xin phòng bệnh trong nước nên Việt Nam phải nhập khẩu 100%, dẫn đến hiệu quả phòng chống bệnh thấp, trong đó đặc biệt là nguyên nhân không tương đồng của virus vắc xin và virus thực địa.

Với chiến lược kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là dịch LMLM, năm 2016, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về sản xuất vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Trong đó, năm 2017, Đề án thí điểm sản xuất vắc xin thương mại sử dụng các chủng virus LMLM lưu hành tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020 đã được Bộ triển khai. Theo đó, Chi cục Thú y Vùng VI được giao nhiệm vụ xây dựng nguồn giống virus LMLM để chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất vắc xin với quy mô công nghiệp.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng VI Bạch Đức Lữu cho biết, trên thực tế, việc nghiên cứu, chọn tạo giống virus LMLM để sản xuất vắc xin cũng là nhiệm vụ mà Chi cục đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều năm nay. Trung tâm đã tổ chức thu thập, lưu giữ và bảo quản virus LMLM như thu thập bệnh phẩm virus từ thực địa, xét nghiệm để xác định bệnh, đánh giá các đặc tính sinh học, tính kháng nguyên, tính di truyền virus…

Chi cục đã chọn được 154 mẫu virus LMLM tốt nhất và gửi sang Phòng thí nghiệm tham chiếu của OIE về bệnh LMLM tại Pirbright (Anh) để giải trình tự gen, phân tích các đặc tính di truyền và đặc tính kháng nguyên của virus, đánh giá mức độ tương đồng kháng nguyên với các loại vắc xin đã và đang sử dụng tại Việt Nam.

Từ 3 loại virus có khả năng phát triển thành vắc xin, đã chọn được 1 mẫu virus LMLM typ O có tên “RAHO6/FMD/O-135, dòng ME-SA/PanAsia” đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật để sản xuất vắc xin theo khuyến cáo của OIE.

Để đón đầu sản xuất và tung ra thị trường vắc xin LMLM, từ tháng 8/2016, Cty Thuốc thú y Đức Hạnh Maphavet đã khởi công xây dựng dây chuyền sản xuất vắc xin LMLM công suất 20 triệu liều/năm, hiện đã cơ bản hoàn thiện.

Sau khi tiếp nhận giống virus LMLM, Cty sẽ tiến hành ngay việc kiểm tra, sản xuất thử nghiệm trên quy mô phòng thí nghiệm, từ đó xây dựng quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn. Dự kiến quý II/2018, những lô vắc xin LMLM do Cty sản xuất ở quy mô công nghiệp sẽ đưa ra lưu hành...

Còn, Cty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco trong năm 2017 cũng đã tham gia dự án do Cục Thú y đề xuất để sản xuất thí điểm vắc xin LMLM thương mại sử dụng các chủng virus LMLM lưu hành tại Việt Nam và bước đầu đã thu được kết quả khả quan.

Hy vọng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất thuốc thú y, từ năm 2018, vắc xin LMLM “Made in Việt Nam” sẽ chính thức ra mắt, phục vụ người chăn nuôi trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đây là bước đột phá để chủ động sản xuất vắc xin typ O từ quý I/2018. Việc Chi cục Thú y vùng VI phân lập được vắc xin LMLM để sản xuất vắc xin thương phẩm là thành tựu hết sức quan trọng về khoa học cũng như thực tiễn bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam tự phân lập và lựa chọn được giống vắc xin từ đó thương mại hóa việc sản xuất vắc-xin đi đến tự chủ trong việc sản xuất và khống chế bệnh LMLM trên gia súc.

Cũng theo ông Tám, với công suất của 3 doanh nghiệp này, có thể sản xuất được 60 triệu liều sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước vào năm 2018, thậm chí còn có thể xuất khẩu.

Lê Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/viet-nam-se-tu-san-xuat-vac-xin-lo-mom-long-mong-vao-nam-2018_t114c1159n128279