Việt Nam sẽ thành quốc gia 'siêu già' vào năm 2050: Thách thức gánh nặng bệnh tật

Việt Nam là một trong 4 quốc gia trong cộng đồng ASEAN có tốc độ già hóa dân số rất nhanh và sẽ trở thành quốc gia 'siêu già' vào năm 2050. Theo dự báo, đến năm 2050, người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) ở Việt Nam sẽ là 22,3 triệu người, chiếm 20,4% tổng dân số. Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao, nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp khi người cao tuổi phải chịu gánh nặng bệnh tật kép.

Người già cô đơn, sống ở mức nghèo còn cao

Tại Hội thảo Quốc tế Tăng cường Hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần trong khu vực ASEAN khai mạc vào sáng 18/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011, nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 7,7% dân số, tức có 7,4 triệu người cao tuổi. Riêng nhóm dân số từ 80 tuổi trở lên đã hơn 2 triệu người. Đến năm 2050, con số này sẽ là 22,3 triệu người, chiếm 20,4% tổng dân số.

Ông Cường cũng cho hay, trong cộng đồng ASEAN, các quốc gia đang già hóa dân số như Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia sẽ trở thành các quốc gia “siêu già” vào năm 2050 và các quốc gia còn lại đã và đang ở thời kỳ dân số già hoặc già hóa dân số. Ông cũng đưa ra con số, nếu như các quốc gia phát triển mất một thế kỷ hoặc hàng thập kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (7%) sang dân số già (14%) như: Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm) Australia (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Anh (45 năm)… thì Việt Nam chỉ mất 20 năm.

Người cao tuổi ở Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép.

Người cao tuổi ở Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép.

Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức. Chia sẻ tại hội thảo, Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết: Người cao tuổi chủ yếu sống ở nông thôn, điều kiện chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với hỗ trợ của con cháu và gia đình (chỉ có 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội). 18% người cao tuổi sống trong hộ nghèo; 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 10% người cao tuổi sống trong nhà tạm… Những khó khăn, thiếu thốn đã ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người cao tuổi trong tương lai.

Theo BS Trường, tình trạng người cao tuổi không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Thách thức hơn nữa là gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi ở nước ta còn cao. “Tuy tuổi thọ trung bình của Việt Nam cao (73,5 tuổi), nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm”, BS Trường cho biết.

Hơn thế nữa, người cao tuổi còn chịu gánh nặng bệnh tật kép, trung bình một người cao tuổi thường mắc 3 bệnh mãn tính, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm. Lẽ ra, người cao tuổi phải được sống khỏe mạnh, thì ở nước ta, bước vào tuổi nghỉ hưu, nhiều người lại sống trong bệnh tật, ốm yếu, kéo theo đó là gánh nặng chi phí chữa bệnh. Đây là một thách thức và nhiệm vụ đặt ra cho ngành Y tế trong công tác kiểm soát, dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

Chiến lược cho người cao tuổi sống khỏe mạnh

BS Nguyễn Xuân Trường cho biết, nguyên nhân già hóa dân số ở Việt Nam là do giảm mức sinh. Mức sinh đang giảm mạnh ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và một số thành phố lớn. Khi đối mặt với già hóa dân số tăng nhanh, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng được kịp. Mạng lưới lão khoa chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ. Môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi chưa được quan tâm xây dựng và phát triển theo định hướng già hóa khỏe mạnh. Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn.

Để giải quyết những thách thức nêu trên, tại Nghị quyết số 21-NQ-TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thức ứng với già hóa dân số, tăng cường cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi; tăng cường phối hợp liên ngành với sự tham gia của các bên liên quan nhằm xây dựng một xã hội già hóa năng động và khỏe mạnh.

Theo BS Trường, ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Theo chương trình này, người cao tuổi sẽ được tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống bệnh không lây nhiễm và triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn. Đồng thời, họ còn được đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp và được thụ hưởng môi trường, cộng đồng thân thiện nhằm nâng cao chất lượng sống…

Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu đặt ra cần sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi, tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thúc đầy già hóa năng động, khỏe mạnh.

Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, phải chuẩn bị cho già hóa dân số, khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới có thể đồng bộ hóa vấn đề già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/viet-nam-se-thanh-quoc-gia-sieu-gia-vao-nam-2050-thach-thuc-ganh-nang-benh-tat-620487/