Việt Nam sẽ sớm xuất khẩu huyết tương sang các nước Châu Âu

Chiều 5-4, Ngân hàng máu - Bệnh viện (BV) Truyền máu Huyết học TPHCM thông tin chính thức đạt chứng nhận GMP Châu Âu (đạt tiêu chuẩn sản xuất tốt) đầu tiên tại Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của ngành y tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Đại diện công ty Octapharma trao giấy chứng nhận GMP Châu Âu cho BV Truyền máu Huyết học

Đại diện công ty Octapharma trao giấy chứng nhận GMP Châu Âu cho BV Truyền máu Huyết học

Theo BSCK2 Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TPHCM, trải qua gần 10 năm hoạt động, ngân hàng máu luôn đảm bảo đủ lượng máu đạt chất lượng cung cấp cho việc điều trị, góp phần trong công cuộc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân TPHCM và các tỉnh lân cận.

Ngân hàng máu – BV Truyền máu Huyết học là đơn vị đứng đầu cả nước về lượng máu thu nhận và cung cấp cho các bệnh viện, số lượng tiếp nhận hàng năm tăng dần, đến năm 2018 đạt trên 230.000 lượt người hiến máu (tương đương trên 260.000 đơn vị máu) và điều chế ra hơn 700.000 đơn vị chế phẩm máu. Trải qua nhiều nỗ lực với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, ngày 4-3, cơ quan An toàn thực phẩm và Y tế Áo (Bộ Y tế Cộng hòa Áo) đã chính thức cấp giấy chứng nhận GMP Châu Âu cho Ngân hàng máu – BV Truyền máu Huyết học TPHCM.

“Với chứng nhận GMP Châu Âu, Bệnh viện Truyền máu Huyết học có thể hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng chính sách GMP tại Việt Nam, hỗ trợ các Trung tâm truyền máu trong cả nước xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và mở ra cơ hội hợp tác quốc tế. Việt Nam sẽ xuất khẩu huyết tương sang các nước châu Âu, sau đó nhập khẩu các sản phẩm điều trị với giá thành rẻ phù hợp người bệnh tại Việt Nam. Đây là bước đà thuận lợi để BV Truyền máu Huyết học chuẩn bị xây dựng Ngân hàng máu mới với công suất 1 triệu đơn vị/năm đạt chuẩn GMP Châu Âu”- ông Dũng kỳ vọng.

Đánh giá cao quá trình hoạt động của Ngân hàng máu, BV Truyền máu Huyết học TPHCM có được thành tựu đáng tự hào như ngày hôm nay, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, với việc đạt chuẩn GMP khi các bác sĩ chỉ định máu sẽ an tâm hơn, các tác dụng phụ trong quá trình truyền máu sẽ thấp hơn từ vấn đề nhiễm trùng đến các bệnh lây nhiễm, phản ứng phụ do truyền máu,... Đây là tiền đề về lâu dài ngân hàng máu sẽ sản xuất huyết tương, bởi khi chúng ta sử dụng máu có rất nhiều chế phẩm máu như: hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu, các sản phẩm từ huyết tương,... khi mà chúng ta tách ra sử dụng nhiều nhất là các sản phẩm của hồng cầu và tiểu cầu phần huyết tương nhiều khi sử dụng không hết, bỏ rất là phí.

"Ở các quốc gia phát triển, họ tận dụng nguồn này để tập trung lại một nhà máy để sản xuất ra các chế phẩm immunoglobulin miễn dịch cũng như các yếu tố đông máu khác để phục vụ lại cho những người bệnh cần truyền những yếu tố này. Muốn sản xuất được vậy, bắt buộc ngân hàng máu phải đạt chuẩn GMP để sản xuất ra. Trong giai đoạn này, thay vì chúng ta bỏ sản phẩm từ huyết tương rất phí, chúng ta sẽ bán cho các đối tác ở nước ngoài, những nơi có nhà máy sản xuất ở Châu Âu hay những quốc gia phát triển khác"- GS Nguyễn tấn Bỉnh kỳ vọng.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/viet-nam-se-som-xuat-khau-huyet-tuong-sang-cac-nuoc-chau-au-585279.html