Việt Nam sẽ nỗ lực đẩy nhanh đàm phán COC, RCEP

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với các quốc gia trong ASEAN đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Ảnh: VGP/Hải Minh

Ảnh: VGP/Hải Minh

Sáng 18/11, tại cuộc Họp báo về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 và đại diện các Tiểu ban đã trả lời câu hỏi liên quan tới các hoạt động của Việt Nam khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Liên quan tới câu hỏi về lộ trình đàm phán COC trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Đàm phán COC được bắt đầu từ tháng 3/2018. Cho đến nay, chúng tôi đã hoàn tất vòng rà soát thứ nhất và Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 18 diễn ra tại Đà Lạt vừa rồi đã đạt được những kết quả tốt về công tác chuẩn bị cho bước vào vòng đàm phán thứ hai.

Có thể nói COC là một trong những chương trình nghị sự ưu tiên của ASEAN và Trung Quốc. Cả ASEAN và Trung Quốc đều xác định muốn đẩy nhanh tiến trình COC. Vì vậy, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng sẽ đóng góp vào việc đẩy nhanh tiến tình này, bao gồm cả việc dành thêm thời gian cho các đàm phán cũng như tìm ra những cách thức phù hợp để đẩy nhanh đàm phán một cách hiệu quả hơn, đạt được chất lượng cao hơn trong năm 2020.

Hiện nay, Philippines là nước điều phối quan hệ ASEAN và Trung Quốc và là quốc gia chủ trì đàm phán với Trung Quốc về COC. Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Philippines để đẩy nhanh tiến trình này trong năm 2020.

“Chúng tôi hy vọng và sẽ nỗ lực để có thể hoàn tất được vòng đàm phán thứ hai trong năm này”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về việc vấn đề Biển Đông sẽ được đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) và ASEAN trong năm 2020 khi Việt Nam vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và là thành viên không thường trực của UNSC nhiệm kỳ 2020-2021, ông Dũng cho biết: Vấn đề Biển Đông là vấn đề được các nước trong khu vực và quốc tế quan tâm, tập trung vào 5 nội dung: Hòa bình và ổn định; tự do và an toàn hàng hải và hàng không, tuân thủ pháp luật, trong đó có DOC và xây dựng COC; tình hình thực địa; và tình hình hoạt động của ngư dân, bao gồm các hoạt động đánh cá và công tác bảo hộ dành cho ngư dân.

Dự kiến, trong thời gian tới, những vấn đề nào liên quan tới một trong 5 nội dung trên sẽ được phản ánh trên bàn hội nghị, có thể tại cả ASEAN và UNSC.

Chia sẻ về kế hoạch đàm phán RCEP trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Thứ trưởng Dũng cho rằng: Năm Chủ tịch ASEAN của Thái Lan đã đạt được những tiến bộ rất đáng khích lệ trong tiến trình đàm phán RCEP khi mà tại Hội nghị Cấp cao vừa qua tại Bangkok, 15 nước trong tổng số 16 nước tham gia RCEP đã đạt được thống nhất và tuyên bố kết thúc đàm phán.

Hội nghĩ cũng đã dành thời gian cho Ấn Độ có những cân nhắc thêm. Việt Nam mong muốn Ấn Độ xem xét và đưa ra những quyết định phù hợp với lợi ích chung và với lợi ích của Ấn Độ.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam rất mong muốn Hiệp định này sẽ được ký trong năm 2020 và Việt Nam sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy các bên hoàn tất các công tác khác như rà soát pháp lý và các vấn đề kỹ thuật còn lại.

Liên quan tới việc thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác theo lĩnh vực, Thứ trưởng cho biết: Hiện nay, ASEAN đang được các quốc gia khác quan tâm hướng đến thiết lập quan hệ đối tác theo lĩnh vực, đây là một tín hiệu rất tốt và ASEAN đánh giá rất cao những đề nghị này.

Trong những năm qua, ASEAN đã có thêm những đối tác hợp tác theo lĩnh vực. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy để mở rộng thêm quan hệ đối tác. Những việc này sẽ được đánh giá rất kỹ lưỡng và phải có sự đồng thuận của ASEAN. Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Thư ký ASEAN để hoàn tất các công việc mang tính kỹ thuật nhằm thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác theo lĩnh vực trong thời gian tới.

Thùy Dung

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/viet-nam-asean/viet-nam-se-no-luc-day-nhanh-dam-phan-coc-rcep/380261.vgp