Việt Nam sẽ nâng cấp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 theo 'cấu hình Ukraine'?

Nhu cầu hiện đại hóa pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka của Việt Nam đã được đặt ra từ vài năm qua và đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Theo số liệu từ nước ngoài, Quân đội nhân dân Việt Nam nhận được những tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka đầu tiên do Liên Xô viện trợ vào giai đoạn cuối của cuộc Kháng chiến chống Mỹ.

ZSU-23-4 sử dụng khung gầm được sửa đổi từ xe bọc thép bánh xích GM-575.Trên tháp pháo là 4 pháo phòng không loại 2A7 (AZP-23) cỡ nòng 23 mm với cơ số 2.000 viên đạn, tốc độ bắn 4.000 viên/phút, có thể bắn trúng các mục tiêu đang bay với tốc độ 450 m/s, tầm bắn hiệu quả lên tới 2.500 m.

Dẫn bắn cho pháo là radar điều khiển hỏa lực 1RL33 làm việc trên băng tần J, tầm trinh sát tối đa 20 km.

Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Ra đời từ thập niên 1960, cho nên dĩ nhiên là vũ khí này không còn đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của chiến tranh hiện đại, rất cần được hiện đại hóa để nâng cao khả năng tác chiến.

Đã có một vài cấu hình nâng cấp ZSU-23-4 được giới thiệu như ZSU-23-4-M5 của Belarus hay ZSU-23-4MP Biala do Ba Lan thực hiện, tuy nhiên chúng chưa phải là giải pháp hoàn hảo giúp phương tiện này thực sự lột xác.

Tại Triển lãm Arms and Security 2017 tổ chức ở Kiev, Công ty thương mại Arsenal của Ukraine đã trình làng một phiên bản ZSU-23-4 rất khác biệt, hứa hẹn có tiềm năng cao trên thị trường vũ khí thế giới.

Bản nâng cấp của pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 được Ukraine giới thiệu tại Triển lãm Arms and Security 2017. Ảnh: Defence Blog.

Thay đổi dễ nhận thấy nhất trên phiên bản ZSU-23-4 này là nó đã bỏ radar 1RL33 nguyên bản để thay thế bằng loại radar đa năng thế hệ mới với ăng ten mảng pha kỹ thuật số (MRDAA) được thiết kế với khả năng theo dõi và bám bắt tới... 1.000 mục tiêu trên không nhờ bộ vi xử lý cực mạnh.

Loại radar này có độ phân giải rất cao khi "nhìn rõ" và phân biệt được đó là 2 máy bay hoạt động ngay cạnh nhau, hay chỉ là một phương tiện bay kích thước lớn, đây là tính năng mà nhiều loại radar giám sát không phận cỡ lớn phải mơ ước và đang cố gắng theo đuổi.

Tính đa nhiệm mà radar MRDAA sở hữu là nhờ nó có tới 16 kênh khác nhau, khiến các phương tiện chế áp điện tử của đối phương gần như không thể phát huy tác dụng.

Ngoài ra có thể nhìn thấy ở bên phải tháp pháo còn xuất hiện giá phóng của 4 tên lửa phòng không vác vai Igla. Trong khi đó bên trái là khí tài trinh sát quang điện tử, được sử dụng như một kênh bổ trợ cho radar, thậm chí còn dùng để chỉ thị giúp pháo hạ nòng tấn công các mục tiêu mặt đất hay dẫn bắn tên lửa chống tăng có điều khiển.

Nhờ kết cấu dạng module mà radar MRDAA cùng thiết bị trinh sát quang điện trên còn gắn kết được lên nền tảng vũ khí khác một cách nhanh chóng.

Rõ ràng gói nâng cấp mà Công ty Arsenal của Ukraine vừa giới thiệu tỏ ra vượt trội mọi phiên bản ZSU-23-4 cải tiến khác, dự báo sẽ khiến nhiều quốc gia đang vận hành loại pháo phòng không này và có nhu cầu hiện đại hóa (trong đó có cả Việt Nam) quan tâm sâu sắc.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/viet-nam-se-nang-cap-phao-phong-khong-tu-hanh-zsu-23-4-theo-cau-hinh-ukraine/20190829010349365