Việt Nam sẽ làm gì trong năm 2021 ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục các ưu tiên đã được xác định ngay từ đầu, khi chúng ta tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Kết quả đạt được trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ

Năm 2020 đánh dấu lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam đảm nhiệm cương vị này ở nhiệm kỳ 2020-2021 với một tâm thế hết sức lớn lao và vững vàng. Bởi lẽ, Việt Nam nhận được số phiếu bầu lớn nhất trong lịch sử của Hội đồng Bảo an (192/193).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

“Điều đó thể hiện các nước đặt lòng tin vào Việt Nam với vai trò thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam là đại diện của các nước đang phát triển, của các nước vừa và nhỏ nên phải nói lên tiếng nói của các nước trong Hội đồng Bảo an”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo giới hôm 24/12.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết thêm, tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, cạnh tranh giữa các nước, đặc biệt các nước lớn ngày càng gay gắt. Tất cả những vấn đề đó đều được phản ánh ở Hội đồng Bảo an. Có thể nói Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giống như một chiếc gương phản chiếu tình hình thế giới cũng như những vấn đề lợi ích của các nước trên thế giới hay giữa các nước với nhau.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2 năm tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tham gia đóng góp hết sức tích cực với tinh thần và nguyên tắc đảm bảo độc lập, tự chủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, lợi ích của các nước. Chính nhờ nguyên tắc đó, Việt Nam tham gia một cách tích cực và hiệu quả, đóng góp vào sự đồng thuận trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giải quyết những vấn đề của khu vực và thế giới.

Ngay tháng đầu tiên giữ cương vị Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng Bảo an và cho đến nay, đây cũng là tháng duy nhất là tháng Hội đồng Bảo an tổ chức được tất cả các cuộc họp trực tiếp.

Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã phát huy tốt, kết hợp được với vai trò Chủ tịch của ASEAN đưa được vào 2 nội dung hết sức quan trọng. Thứ nhất, đó là tổ chức được phiên họp mở của Hội đồng Bảo an về việc tăng cường thực thi Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đây là cuộc họp mở có sự tham gia của đông đại biểu nhất trong vài năm qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều đó cũng nói lên là Việt Nam đã đi cùng tiếng nói chung, nguyện vọng chung của các nước, đều mong muốn trước tiên các nước thành viên của Liên Hợp Quốc phải tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế trong việc xử lý các vấn đề.

Thứ hai, cũng trong tháng Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đưa được vấn đề quan hệ hợp tác giữa Hội đồng Bảo an với ASEAN. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đã đưa được vấn đề nêu cao sự hợp tác giữa Hội đồng Bảo an với một tổ chức khu vực, ở đây là ASEAN. Làm được điều này bởi bởi năm 2020, Việt Nam có được vai trò là Chủ tịch ASEAN nên có thể lồng ghép và đưa được vấn đề vào trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an.

“Trong năm 2020 chúng ta đã thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam và cơ bản những ưu tiên đó đã thực hiện được. Ưu tiên lớn nhất mà chúng ta đã thực hiện là thúc đẩy vai trò của phụ nữ với hòa bình, an ninh và chúng ta đã tổ chức được hội nghị toàn cầu hiếm hoi trong bối cảnh dịch bệnh. Hội nghị được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của nhiều nước, nhiều diễn giả. Và đặc biệt, cam kết hành động Hà Nội do 30 nước làm đồng tác giả đã được đưa vào văn kiện”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ.

Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra thông qua một dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc, lấy ngày 27/12 là ngày chống dịch bệnh. Trong lịch sử tham gia Liên Hợp Quốc, lần đầu tiên Việt Nam đã dự thảo Nghị quyết và được 106 nước đồng tác giả - con số kỷ lục về đồng tác giả của một nghị quyết, và nghị quyết này được thông qua đã đánh dấu một dấu mốc vươn tầm của đối ngoại Việt Nam, ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.

Phương hướng, mục tiêu trong năm thứ 2 của nhiệm kỳ

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: “Năm 2021, tình hình thế giới sẽ còn có nhiều biến động, dịch Covid-19 có thể sẽ được kiểm soát ở mức độ nào đó nhưng cũng có thể chưa được kiểm soát. Kinh tế thế giới cũng trên đà phục hồi chậm. Đó là những tác động không nhỏ đến hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó là những cuộc xung đột đang tiếp diễn, chưa kể vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột mới, ảnh hưởng đến hoạt động của Hội đồng Bảo an.

Ưu tiên của chúng ta là tiếp tục là các ưu tiên mà ngay khi chúng ta tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đưa ra. Cụ thể, đó là khắc phục giải quyết các xung đột, quan tâm đến vấn đề trẻ em trong xung đột, khôi phục kinh tế xã hội sau xung đột, khắc phục hậu quả bom mìn sau xung đột, biến đổi khí hậu, hoạt động gìn giữ hòa bình… Đây là những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngay từ đầu nhiệm kỳ cho đến năm thứ 2 giữ vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Với các ưu tiên đó, chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũ và mới để thúc đẩy thực hiện”./.

Hùng Cường/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-se-lam-gi-trong-nam-2021-o-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-826538.vov