Việt Nam sẽ là bến đỗ mới cho các doanh nghiệp Mỹ?

Cho đến thời điểm hiện tại, khi xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn còn diễn biến phức tạp, làn sóng các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc vẫn đang diễn ra.

Nhiều doanh nghiệp cỡ trung của Mỹ đang chuyển sản xuất khỏi thị trường Trung Quốc do thương chiến kéo dài. Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp cỡ trung của Mỹ đang chuyển sản xuất khỏi thị trường Trung Quốc do thương chiến kéo dài. Ảnh minh họa

Nhiều công ty quy mô trung bình của Mỹ cũng nhận ra rằng họ cần đa dạng hóa khỏi Trung Quốc và đã tìm kiếm các thị trường khác, trong đó các quốc gia châu Á đang nằm trong tầm ngắm.

Làn sóng ngầm từ Trung Quốc

Đợt áp thuế của Trung Quốc đối với hạt hạnh nhân và các loại hạt khác được nhập khẩu từ Mỹ đã tăng từ 15% - 50% đã làm Summit Premium Tree Nuts, một công ty chuyên xuất khẩu hạt cỡ trung của Mỹ phải nhanh chóng điều chỉnh thị trường, tìm kiếm khách hàng mới

Để bù đắp doanh số bị mất đi ở thị trường Trung Quốc. Ngay lập tức, công ty này đã tăng thêm lượng bán hạt hạnh nhân, óc chó, hồ đào và hạt phỉ cho Ấn Độ, Trung Đông và Tây Ban Nha.

Câu chuyện của Summit Premium Tree Nuts cũng đang diễn ra tại nhiều công ty Mỹ đang có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, hoặc đang xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường này.

Theo khảo sát của Ngân hàng Umpqua có trụ sở tại Portland, bang Oregon, Mỹ với 550 Giám đốc điều hành tại các công ty Mỹ có doanh thu hàng năm từ 10 triệu đến 500 triệu USD vào tháng 10 vừa qua. Kết quả cho thấy, 72% doanh nghiệp được hỏi đang lo ngại về mức độ không chắc chắn về hoạt động kinh doanh tương lai tại Trung Quốc do căng thẳng thương mại.

Thuế quan của Trung Quốc đã làm tăng chi phí kinh doanh của 37% doanh nghiệp được hỏi, trong khi 46% doanh nghiệp thừa nhận đang mất khách hàng.

Điều này dẫn tới việc có hơn một nửa chủ doanh nghiệp cho biết họ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, cả trong nước và các thị trường quốc tế khác; đồng thời gần 20% số người được hỏi cho biết đang tìm kiếm các khách hàng mới ở các thị trường khác, chủ yếu ở châu Âu, các quốc gia khác tại châu Á, châu Mỹ Latin…

Trong một thời gian dài, Trung Quốc là nhà sản xuất được các doanh nghiệp Mỹ lựa chọn bởi chi phí thấp, giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan đã làm thay đổi điều này.

Đồng thời, chi phí lao động tăng lên chóng mặt ở Trung Quốc trong nhiều năm qua và cũng đã có một số vấn đề liên quan đến kiểm soát chất lượng cũng đã ảnh hưởng đến quyết định dịch chuyển của các doanh nghiệp này khi những gánh nặng chi phí bắt đầu có những tác động không nhỏ đến giá thành.

"Điều này cho thấy tác động tiêu cực mà cuộc chiến thương mại đang gây ra đối với chuỗi cung ứng. Nếu thuế quan mới của Mỹ tiếp tục có hiệu lực vào ngày 15/12, căng thẳng gia tăng có thể sẽ đẩy nhanh xu hướng di dời của các doanh nghiệp hiện nay", ông Kenneth Jarrett, cố vấn cấp cao của Albright Stonebridge nói.

Chuyên gia này cũng phân tích thêm, với quy mô hoạt động tầm trung, so với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp cỡ trung của Mỹ chịu nhiều tổn thất về thuế quan hơn nhưng có khả năng thích ứng nhanh tại các thị trường khác, trong đó tiềm năng nhất là các quốc gia thuộc châu Á.

Cùng với việc các nền kinh tế châu Á đang có độ mở cao, các chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ và cải cách nền kinh tế mạnh mẽ đã giúp cho thủ tục đăng ký kinh doanh sản xuất không quá phức tạp, các quốc gia như Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan , Việt Nam đang được các công ty Mỹ lựa chọn.

Cùng với những lợi thế về thuế quan thông qua các Hiệp định thương mại, điều này đồng nghĩa với việc nhiều sản phẩm từ các quốc gia này nhập khẩu vào Mỹ và một số thị trường khác sẽ được miễn thuế. Đây chẳng khác nào miếng mồi ngon với các nhà sản xuất cỡ trung vốn đang bị thiệt hại nặng nề sau các đợt áp thuế liên miên khi còn "đóng quân" tại Trung Quốc.

Cơ hội cho Việt Nam

Trên thực tế, Việt Nam cũng nằm trong “tầm ngắm” của các doanh nghiệp Mỹ khi dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Với lợi thế gần cường quốc lớn nhất châu Á, khi các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất vẫn có thể dễ dàng xuất hàng phục vụ thị trường Trung Quốc. Điều này sẽ giúp tiết kiệm một phần chi phí so với các thị trường khác như Ấn Độ.

Tuy nhiên, để trở nên thu hút và cạnh tranh hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam sẽ cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước.

Trong số những biện pháp cần thiết, GS TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam cũng cần thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư như cải thiện thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất bằng cách giảm số lượng giấy phép và giấy chứng nhận, cũng như giúp họ tìm kiếm thị trường mới.

Trong bối cảnh mới, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI sẽ dần bị mất nên Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI thế hệ mới, với kỹ năng lao động, quản trị tốt hơn, mức lương tốt hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Do đó, để duy trì mức tăng trưởng cao, Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực để trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư, kinh doanh.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/viet-nam-se-la-ben-do-moi-cho-cac-doanh-nghiep-my-163368.html