Việt Nam sẽ chuyển dịch từ Chính phủ điện tử tiến lên Chính phủ số

Một mục tiêu trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm nay là chuyển dịch từ Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, đưa Việt Nam cuối năm 2020 có tên trong nhóm 75 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.

Trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ sơ kết chương trình thí điểm đô thị thông minh, cấu phần CNTT nhất là việc thí điểm triển khai trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, ban hành các hướng dẫn triển khai, tránh làm theo phong trào, không hiệu quả và lãng phí (Ảnh minh họa: TK)

Trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ sơ kết chương trình thí điểm đô thị thông minh, cấu phần CNTT nhất là việc thí điểm triển khai trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, ban hành các hướng dẫn triển khai, tránh làm theo phong trào, không hiệu quả và lãng phí (Ảnh minh họa: TK)

Cũng trong định hướng lĩnh vực ứng dụng CNTT năm 2020, cùng với việc xác định mục tiêu phải thực hiện tốt Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025, Bộ TT&TT cũng sẽ tập trung làm tốt vai trò điều phối thống nhất về phát triển Chính phủ điện tử, trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành và địa phương.

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 sẽ được Bộ TT&TT xây dựng trong năm nay. Đây là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt để giải quyết các ách tắc trong xây dựng Chính phủ điện tử từ trước đến nay, giải quyết các vấn đề có tính nền tảng, căn cơ như mối quan hệ giữa tập trung và phân tán, dùng chung hay không dùng chung.

Cụ thể, trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 17 của Chính phủ, đặc biệt đối với các mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kết nối, chia sẻ dữ liệu và cung cấp dịch vụ công mức độ 4. Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP); 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đạt tỷ lệ 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4.

Cùng với đó, năm nay sẽ sơ kết chương trình thí điểm đô thị thông minh, cấu phần CNTT nhất là việc thí điểm triển khai trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, ban hành các hướng dẫn triển khai, tránh làm theo phong trào, không hiệu quả và lãng phí.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng một số mô hình bộ điểm, tỉnh điểm, xã điểm; đào tạo 100 chuyên gia cho Chính phủ điện tử ở các bộ, ngành, địa phương là lực lượng nòng cốt để dẫn dắt quá trình phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam. Sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm từ sử dụng các ứng dụng của Chính phủ điện tử để phát triển Chính phủ điện tử và dành tối thiểu 1% tỷ lệ chi ngân sách các cấp (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) cho xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử.

Với năm 2019 vừa qua, theo Bộ TT&TT, thực hiện trọng trách được Chính phủ giao, Bộ đã thực hiện cách làm mới để thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử. Cụ thể, Bộ TT&TT đã tích cực làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ triển khai một số hệ thống thông tin quan trọng như các cơ sở dữ liệu quốc gia; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của bộ/tỉnh. Triển khai bộ điểm, tỉnh điểm về Chính phủ điện tử để nhân rộng.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, Bộ TT&TT cũng đã thống nhất chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp ICT triển khai Chính phủ điện tử để tăng cường hiệu quả triển khai trên toàn quốc; xây dựng Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử sẵn sàng giải đáp phản ánh, kiến nghị và tư vấn triển khai Chính phủ điện tử; xây dựng Trung tâm chia sẻ và giám sát an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử.

Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ TT&TT đã thống nhất được quan điểm Việt Nam làm chủ các công nghệ nền tảng: Nền tảng tích hợp; chia sẻ dữ liệu, Điện toán đám mây; Các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Đến nay, đã thống nhất các sản phẩm, công nghệ cần làm chủ và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.

Một kết quả nổi bật nữa của Bộ TT&TT trong năm 2019 là việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 73 ngày 5/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

“Việc ban hành Nghị định có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vướng mắc cho hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT; phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; bãi bỏ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT, thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử”, đại diện Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT cho biết.

Năm 2016, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng thứ 89/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193. Trong báo cáo 2018, Việt Nam cải thiện ở cả 3 chỉ số thành phần, tăng 1 bậc về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, đứng thứ 88/193, trong đó chỉ số phát triển nguồn nhân lực tăng 7 bậc, chỉ số dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, tuy nhiên chỉ số hạ tầng viễn thông giảm 10 bậc.

Tại Nghị quyết 17, Chính phủ đặt mục tiêu hết năm 2020, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng từ 10 đến 15 bậc, nằm trong nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Đến hết năm 2025, Việt Nam sẽ vào nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

Vân Anh

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/chinh-phu-dien-tu/viet-nam-se-chuyen-dich-tu-chinh-phu-dien-tu-len-chinh-phu-so-trong-nam-nay-193793.ict