Việt Nam sắp phải vay ODA với lãi cao

Đến tháng 7/2017, nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất từ 2 đến 3,5%.

Tại buổi họp báo 25/10, ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thừa nhận nợ công đang là chủ đề được dư luận quan tâm.

Quốc hội, Chính phủ từng nhiều lần yêu cầu các Bộ, ngành phải quản lý vốn vay ODA hiệu quả bởi nguồn vốn này cũng chính là nợ quốc gia. Hơn nữa, việc huy động vốn ODA đang trở nên khó khăn hơn.

Ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính. Ảnh: M.T.

Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi từ các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam giảm rõ rệt. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất từ 2 đến 3,5%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 - 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD. Trong đó, nguồn ODA dành cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

9 tháng qua, tổng vốn ODA huy động được là 350,5 nghìn tỷ đồng (đạt 77,5% kế hoạch đề ra). Về nghĩa vụ trả nợ, vay trong nước hiện chiếm hơn 8.000 tỷ đồng, vay nước ngoài hơn 9.900 tỷ đồng.

Ông Hoàng Hải thông tin trước đây, vốn ODA từng được sử dụng để mua sắm (như mua ôtô) nhưng giờ Chính phủ chỉ đạo chỉ được sử dụng để đầu tư các công trình trọng điểm phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội. Vốn này chỉ mua sắm trong trường hợp cần thiết như mua xe chuyên dụng phục vụ người dân và phải có báo cáo, được Chính phủ phê duyệt.

Đánh giá về hiệu quả của việc sử dụng vốn ODA thời gian qua, ông Hoàng Hải cho hay phải chờ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, quy định mới không cho phép giải ngân vượt dự toán khiến nhiều dự án bị hoãn thi công, nhà đầu tư bị phạt.

Trước đây, việc giải ngân vốn ODA nhiều khi không cần theo kế hoạch, còn giờ nhiều dự án, tổ chức tín dụng phải giải trình xem việc cho vay lại có khả thi không rồi căn cứ vào năng lực kinh tế, tài chính của địa phương mới có thể xác định tỷ lệ cho vay lại bao nhiêu là phù hợp. Chủ dự án cũng phải trình báo cáo tiền khả thi và khả thi để Bộ Tài chính thẩm định trước.

“Như vậy, tỉnh nghèo thì tỷ lệ cho vay lại sẽ thấp”, ông nói.

Vị này cũng đánh giá kinh nghiệm quản lý nợ của Việt Nam chưa chuyên nghiệp nên hàng năm vẫn phải dùng ngân sách nhà nước đáp ứng nghĩa vụ trả nợ. Trong khi đó, nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản… coi trả nợ gốc là phần đảo nợ tức vay mới trả cũ.

“Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch trả nợ cho Chính phủ. Chúng tôi đang xây dựng kịch bản trả nợ nhanh để báo cáo Thủ tướng. Trong năm nay và năm sau, nghĩa vụ trả nợ gốc của Chính phủ khoảng 1 tỷ USD”, ông Hải nói.

Kiều Vui

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/viet-nam-sap-phai-vay-oda-voi-lai-cao-post692569.html