Việt Nam sắp 'được mùa' các thương vụ M&A?

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, trong khi cả thế giới đang căng mình đương đầu với dịch Covid-19, thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đang bước vào giai đoạn 'bình thường mới'. Nhờ đó, Việt Nam có cơ hội đón sớm làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đem lại lợi thế lớn cho Việt Nam.

“Hút” mạnh nhờ cải thiện chính sách.

Không chỉ trong thời điểm hiện nay, mà trước đây tại nhiều hội thảo quốc tế, đã có nhiều chuyên gia nhìn nhận Việt Nam đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), nhờ vào những chính sách vĩ mô trong khuyến khích đầu tư, chính trị ổn định và nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

Một báo cáo mới nhất của Tập đoàn Tư vấn BĐS toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL) cũng đã nêu, những yếu tố kinh tế vĩ mô, việc kiềm chế tốt lạm phát và duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đều trong những năm qua là nguyên nhân chính thu hút đáng kể nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Cũng theo JLL, mặc dù bị tác động tiêu cực từ dịch Covid – 19 khiến hầu hết nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, tuy nhiên, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.

Riêng hoạt động kinh doanh BĐS xếp thứ tư dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 801 triệu USD. “Thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động và thu hút mạnh các NĐT nước ngoài khi Việt Nam trở lại trạng thái “bình thường mới” và sẽ có hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), khi các nhà đầu tư đang tái khởi động, cũng như cần nắm bắt cơ hội đón đầu làn sóng FDI” – JLL nhận định.

Qua quan sát của JLL, hiện có hàng trăm triệu USD đang “chờ” đổ vào BĐS Việt Nam ở hầu hết các phân khúc nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn, KCN... Các NĐT phần lớn đến từ các nước trong khu vực khối Asia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… hoặc từ sự dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và lo ngại dịch Covid -19.

“Đặc biệt, phân khúc khách sạn luôn thu hút sự quan tâm nguồn vốn từ nước ngoài, bởi ngành du lịch hiện có ưu thế với hàng loạt quy định được “nới lỏng” như gia hạn visa lưu trú, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ cho phát triển du lịch… Bên cạnh đó, thị trường nhà ở vẫn được đánh giá là phân khúc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu”, đại diện JLL cho hay

M&A giúp nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo ông Stuart Crow - Giám đốc bộ phận thị trường vốn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của JLL toàn cầu, việc chọn hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn trong nước. Xu hướng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà ở hầu như ở các quốc gia khác trong khu vực.

Lý giải nhận định của mình, ông Stuart Crow cho rằng, các tập đoàn và các nhà đầu tư trong nước đang nắm giữ đất đai trên thị trường, có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại, cùng với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm – sẽ giúp liên doanh này triển khai thành công các mục tiêu mà hai bên đã đặt ra và nâng cao năng lực cạnh tranh của cả hai phía”.

 Một thương vụ M&A vừa được Phú Đông Group hoàn tất thủ tục (Ảnh: Bảo Lan).

Một thương vụ M&A vừa được Phú Đông Group hoàn tất thủ tục (Ảnh: Bảo Lan).

Một ví dụ, mới đây nhất, Phú Đông Group cũng đã hoàn thành thủ tục ký kết hợp tác với 15 nhà đầu tư chiến lược. Ông Ngô Quang Phúc – TGĐ của Phú Đông Group - cũng nhìn nhận, giá trị của các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp trong nước với các đối tác, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ khẳng định được thương hiệu, uy tín của mình trên thị trường, mà còn giúp DN đó nâng cao năng lực cạnh tranh với các tập đoàn và các NĐT trong nước, hướng đến hoàn thành mục tiêu đã hoạch định.

“Vì việc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ dự án, nhiều NĐT trong nước cũng chọn giải pháp hợp tác cho từng gói thầu của dự án, như: tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, xây dựng, cung ứng vật liệu xây dựng, quản lý vận hành… Điều này giúp đảm bảo gia tăng các chuỗi giá trị và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, cùng tạo ra những sản phẩm an toàn, phù hợp thị hiếu thị trường”, ông Ngô Quang Phúc chia sẻ.

Rõ ràng, thương vụ M&A không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, cung cấp đúng tiến độ và hướng đến sự phát triển bền vững, mà qua đó, việc chọn đối tác trong hoạt động phân phối… cũng là một yếu tố quan trọng để tạo ra tính thanh khoản tốt của dự án.

“Việt Nam hiện vẫn đang là một thị trường thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong khu vực và sự dịch chuyển mang tính khách quan từ các nhà đầu tư khu vực Châu Âu, Hoa Kỳ. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới khi đón đầu dòng vống FDI trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có BĐS”, ông Stuart Crow nhấn mạnh.

Bảo Lan

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/viet-nam-sap-duoc-mua-cac-thuong-vu-ma-521451.html