Việt Nam sắp đóng 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển, sức mạnh thế nào?

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản vừa ký với Chính phủ Việt Nam hiệp định trị giá khoảng 347 triệu USD cho Dự án tăng cường năng lực đảm bảo an ninh, an toàn biển cho Việt Nam. Khoản tiền này sẽ được Việt Nam dùng để đóng 6 tàu tuần tra cỡ lớn lớp TT-1500 từ Nhật Bản.

Ngày 28/7, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ Việt Nam đã ký kết một hiệp định trong đó phía Nhật Bản sẽ cung cấp cho ta một khoản tín dụng trị giá 36.626 tỷ Yên (tương đương 347 triệu USD) cho Dự án tăng cường năng lực đảm bảo an ninh, an toàn trên biển Việt Nam. Ảnh: Tàu cảnh sát biển Việt Nam và trực thăng của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản phối hợp trong một cuộc diễn tập chung.

Ngày 28/7, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ Việt Nam đã ký kết một hiệp định trong đó phía Nhật Bản sẽ cung cấp cho ta một khoản tín dụng trị giá 36.626 tỷ Yên (tương đương 347 triệu USD) cho Dự án tăng cường năng lực đảm bảo an ninh, an toàn trên biển Việt Nam. Ảnh: Tàu cảnh sát biển Việt Nam và trực thăng của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản phối hợp trong một cuộc diễn tập chung.

Trong khuôn khổ hiệp định, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được hỗ trợ tài chính để đóng mới 6 tàu tuần tra cỡ lớn nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật và cứu hộ hàng hải trên biển. Các tàu này sẽ do các công ty Nhật Bản là nhà thầu chính, thời gian dự kiến hoàn tất tàu cuối cùng là tháng 10/2025. Ảnh: Lễ hạ thủy tàu tuần tra đa năng DN-2000 cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Trước đó, Cảnh sát biển Việt Nam đã cho lộ diện mẫu tàu tuần tra mới mang tên TT-1500 dựa trên lớp Kunigami của Nhật Bản sẽ được đóng theo vốn ODA do nước này cung cấp. Mẫu tàu này đã từng gây sự chú ý rất lớn cho giới quan sát quân sự trong nước và quốc tế. Ảnh: Hình ảnh đồ họa và thông số của tàu TT-1500 (trên màn hình) được tiết lộ.

Và trong chuyến thăm Nhật Bản của tàu CSB-8002 hồi cuối năm 2019, đoàn công tác của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã lên tham quan tàu tuần tra PL-10 Buko của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản tại cảng Yokohama. Tàu PL-10 thuộc lớp Kunigami cũng chính là nguyên mẫu của TT-1500 Việt Nam chuẩn bị khởi đóng. Đây là một động thái cực kỳ rõ ràng cho những dự định của chúng ta trong tương lai. Ảnh: Tàu PL-10 Buko của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đậu tại cảng Yokohama.

Tàu Kunigami chính thức hoạt động trong Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản từ năm 2012 cho đến nay với 19 chiếc đang trong biên chế và 2 chiếc đang trong quá trình hoàn thiện. Tàu có lượng giãn nước 1.700 tấn, dài 96.6m rộng 11m và mớn nước 5.2m. Ảnh: Tàu PL-11 Rishiri thuộc lớp Kunigami của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Tàu được trang bị hai động cơ Diesel cho phép nó có thể đạt tốc độ tối đa 25 hải lý/h. Thiết kế tàu thuôn dài. Với yêu cầu đa nhiệm vụ, thân tàu được làm bằng thép trong khi đó thượng tầng được làm từ hợp kim nhôm. Ảnh: Tàu PL-86 Ikema lớp Kunigami của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Mặt boong sau của tàu rất rộng, phù hợp cho nhiệm vụ cứu hộ, đồng thời được bố trí một sàn đáp trực thăng. Dù cho tàu không được thiết kế hangar để có thể tiếp nhận trực thăng đi theo trong những nhiệm vụ dài ngày trên biển nhưng nó vẫn có thể cung cấp nhiên liệu và năng lượng cho trực thăng. Ảnh: Cận cảnh boong sau của tàu Kunigami.

Trước đó không lâu, Tuần duyên Philippines cũng đã công bố mô hình tàu tuần tra cỡ lớn có chiều dài 94m mới của họ cũng được thiết kế dựa trên lớp Kunigami của Nhật Bản. Điểm đáng nói ở đây là ống khói của tàu được đặt sang hai bên, phía sau thượng tầng chứ không phải chỉ một ống khói đặt ở giữa như trên tàu Nhật Bản. Ảnh: Đồ họa thiết kế tàu tuần tra 94m mới của Tuần duyên Philippines.

Việc thay đổi thiết kế ống khói tàu này nhằm mục đích lắp đặt hangar để chứa trực thăng cho tàu. Và trong hình ảnh đồ họa về lớp tàu TT-1500 mới của Cảnh sát biển Việt Nam cũng áp dụng thiết kế ống khói hai bên tương tự, có thể tàu Việt Nam cũng được lắp đặt hangar giúp tiếp nhận trực thăng trong những chiến đi biển xa. Ảnh: Tàu tuần tra PL-14 Yonakuni lớp Kunigami.

Tuy nhiên, tàu TT-1500 mới của Việt Nam chỉ có chiều dài khoảng gần 80m, chiều dài này thua tàu Kunigami hơn 10m. Tàu rộng 11m, mớn nước 3.3m, tốc độ tối đa 24 hải lý/h, tầm hoạt động 4.000 hải lý và thời gian hoạt động liên tục 30 ngày trên biển. Như vậy, tàu của Việt Nam có lượng giãn nước chỉ khoảng 1.500 tấn và bé hơn một chút so với nguyên mẫu thiết kế của Nhật Bản. Ảnh: Tàu tuần tra PLH-08 Echigo lớp Tsugaru của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Vậy là trong tương lai tới đây, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được bổ sung một số lượng đáng kể tàu tuần tra cỡ lớn từ Nhật Bản, góp phần tăng cường hơn nữa khả năng thực thi pháp luật trên biển của mình. Việt Nam trong những năm qua cũng đã tiếp nhận một số tàu tuần tra lớp Teshio cũ do Nhật chuyển giao cho lực lượng chấp pháp. Mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nhật ngày càng thực sự phát triển giữa tình hình phức tạp trên Biển Đông, và sự giúp đỡ này là vô cùng quý báu, cần thuyết cho ta trong công việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ảnh: Tàu tuần tra Teshio (phải) và tàu tuần tra TT-400 (trái) của Cảnh sát biển Việt Nam.

Video "Choáng" với tốc độ đóng tàu Cảnh sát biển của Việt Nam - Nguồn: QPVN

Hùng Dũng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/viet-nam-sap-dong-6-tau-tuan-tra-cho-canh-sat-bien-suc-manh-the-nao-1415765.html