Việt Nam sắp có cơ quan nhân quyền quốc gia

Việt Nam vừa hoàn thành Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Theo đó, các quyền dân sự, chính trị của mọi người theo Công ước được quy định đầy đủ tại Hiến pháp, các luật và được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo dảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Hiến pháp cũng quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tất cả mọi người, bao gồm cả người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam đều được Hiến pháp và pháp luật Viêt Nam bảo đảm quyền con người. Chỉ những quyền thể hiện mối quan hệ gắn bó riêng của công dân với Nhà nước Việt Nam thì mới quy định riêng cho công dân Việt Nam.

Trong quan hệ dân sự, Bộ luật Dân sự quy định: “Mọi cá nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản” và “mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự như nhau”.

Điểm mới quan trọng trong bảo vệ quyền con người là Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Ảnh minh họa

Điểm mới quan trọng trong bảo vệ quyền con người là Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Ảnh minh họa

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Nhà nước bảo đảm công khai, dân chủ trong việc lấy ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản qui phạm pháp luật. Luật này cũng khẳng định cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Để tạo điều kiện cho phụ nữ và các nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương như người khuyết tật, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số… được thụ hưởng đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam có quy định đành riêng cho các đối tượng này trong các văn bản như Bộ luật Lao động, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em…

Các phương thức bảo vệ quyền dân sự đã được quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự quy định rõ tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân.

Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định pháp luật. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể đươc xem xét lại tại Tòa án.

Đặc biệt, Điều 14 Bộ luật Dân sự và Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự đã có một bước phát triển mới trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người với qui định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Bộ luật Hình sự năm 2015 khẳng định ngay tại Điều 1 về nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Đồng thời, quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm hình sự với các hành vi xâm phạm quyền dân sự, chính trị.

Quyền khiếu nại, tố cáo về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân cũng được bảo đảm theo Điều 30 Hiến pháp, và các Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Từ năm 2012 đến 2016, các cơ quan Nhà nước đã giải quyết 199.567 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt trên 84%. Qua đó, đã khôi phục quyền lợi cho 13.617 công dân với số tiền 512 tỷ đồng và 418,6 ha đất.

Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu xem xét khả năng thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia theo khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền, trên cơ sở xem xét sự phù hợp với mức độ phát triển kinh tế xã hội, tiến trình cải cách tư pháp, pháp luật và các điều kiện đảm bảo của Việt Nam.

P.Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/viet-nam-sap-co-co-quan-nhan-quyen-quoc-gia-117939.html