Việt Nam sản xuất được vắc xin khống chế bệnh xuất hiện 100 năm trước

Sáng ngày 17.11, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT đã tổ chức Lễ công bố cho phép sản xuất thương mại vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) type (tuýp O) và chuyển giao giống vi rút LMLM type A để sản xuất vắc xin.

Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của bệnh LMLM và để góp phần hỗ trợ tích cực vào sự phát triển ngành chăn nuôi gia súc của nước ta từ nhỏ bé, manh mún sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa quy mô lớn thì công tác phòng chống dịch bệnh LMLM cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Do đó, việc chủ động tự sản xuất được vắc xin trong nước để phòng chống dịch bệnh là yêu cầu bức thiết. Từ năm 1997, Cục Thú y đã giao Cơ quan Thú y vùng 6 là phòng thí nghiệm chủ lực về LMLM tổ chức thu thập hàng nghìn mẫu vi rút LMLM từ các ổ dịch hoặc chương trình giám sát chủ động tại các địa phương để nghiên cứu, chọn giống gốc nhằm phục vụ việc sản xuất vắc xin.

Kết quả, đến nay đã sản xuất thành công vắc xin LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion, đây cũng là tên thương mại của sản phẩm này. Việc sản xuất thành công vắc xin LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion giúp Việt Nam hoàn toàn chủ động việc lựa chọn chủng loại vi rút LMLM phù hợp để sản xuất vắc xin, giúp việc phòng bệnh cho gia súc đạt hiệu quả, giá thành vắc xin sản xuất trong nước ước tính có thể giảm 20% so với nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trao quyết định của Bộ NN&PTNT về việc công nhận giống vi rút LMLM type A RAHO6/FMD/A-379 để sản xuất vắc xin (Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng 6 ông Bạch Đức Lữu)

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Việc nghiên cứu, chọn lọc sản xuất thành công vắc xin LMLM type O là tin vui cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi nước ta, giúp phòng chống dịch LMLM, góp phần giúp sản phẩm chăn nuôi Việt Nam vượt rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một trong những lý do trong rổ xuất khẩu nông sản 36,6 tỷ USD không có sản phẩm của ngành chăn nuôi vì các nước dựng hàng rào kỹ thuật với những quốc gia còn bệnh LMLM trên gia súc. Khi chúng ta chủ động được nguồn vắc xin, trở ngại này sẽ được gỡ bỏ.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), bệnh LMLM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở gia súc và được xếp thứ nhất trong gần 120 bệnh ở động vật cần cảnh báo toàn cầu, bởi vì bệnh lây lan rất nhanh, phạm vi rộng, thường phát thành dịch lớn và gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi gia súc.

Trên thế giới, bệnh đã tồn tại hằng thế kỷ và hiện nay vẫn có hàng chục quốc gia báo cáo có bệnh LMLM. Một trong các biện pháp kỹ thuật chủ lực và hiệu quả nhất được các quốc gia từng có bệnh LMLM áp dụng phổ biến nhất là tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc.

Tại Việt Nam, bệnh LMLM đã xuất hiện được hơn 100 năm; bệnh LMLM xảy ra gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước; trung bình mỗi năm, thiệt hại về kinh tế và chi phí cho công tác phòng, chống bệnh LMLM khoảng trên 20 triệu USD, trong đó phần lớn nguồn kinh phí dành để mua vắc xin.

Hiện nay, việc tiêm phòng vắc xin LMLM cho gia súc vẫn là một trong những nội dung quan trọng và đã được thực hiện liên tục từ năm 2006 đến nay. Tuy nhiên, Việt Nam phải nhập khẩu 100% lượng vắc xin từ nước ngoài, dẫn đến không chủ động được nguồn cung cấp vắc xin, thiếu tương đồng về kháng nguyên giữa chủng vi rút LMLM gây bệnh tại Việt Nam so với vắc xin đang sử dụng.

Sau nhiều năm nghiên cứu công phu, trải qua quá trình thẩm định, đánh giá và đặc biệt có sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Lãnh đạo Bộ NNPTNT và việc tổ chức thực hiện có hiệu quả của Cục Thú y, sự cố gắng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trở ngại của Công ty RTD, lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin AVAC-V6 FMD Emulsion type O đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định.

Việc chủ động sản xuất được vắc xin LMLM tại Việt Nam sẽ tạo thuận lợi chủ động trong phòng bệnh và giảm giá thành vắc xin, ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng chục triệu USD để nhập khẩu vắc xin và quan trọng hơn cả là góp phần giúp chúng ta khống chế, tiến tới loại trừ bệnh LMLM ở Việt Nam.

Dây chuyển, nơi đóng gói, bảo quản vắc xin phòng bệnh LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion type O của Công ty RTD.

Cùng với đó, việc nghiên cứu, chọn lọc giống vi rút LMLM type A để tiếp tục sản xuất vắc xin LMLM type A RAHO6/FMD/A-379 cũng được ngành chức năng triển khai. Nguồn gốc vi rút này được phân lập từ ổ dịch LMLM trên bò vào 2013 tại tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Giống vi rút được nghiên cứu, chọn lọc, phân lập có tác dụng phòng chống hiệu quả bệnh LMLM type A cho đàn gia súc.

Tương tự như quá trình nghiên cứu, chọn lọc, đánh giá, công nhận giống vi rút LMLM type O “RAHO6/FMD/O-135, dòng ME-SA/PanAsia”; đồng thời thực hiện các quyết định và chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, từ năm 2014 đến nay, Chi cục Thú y vùng VI đã nghiên cứu, đánh giá, chọn lọc giống vi rút LMLM type A “RAHO6/FMD/A-379” theo chuẩn Việt Nam và khuyến cáo của OIE.

- Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I cũng đã thẩm định và có văn bản báo cáo kết quả giống vi rút LMLM type A “RAHO6/FMD/A-379” đạt yêu cầu kỹ thuật theo quy định hiện hành. Ngày 25/10/2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký Quyết định số 4167/QĐ-BNN-TY về việc công nhận giống vi rút Lở mồm long móng type A “RAHO6/FMD/A-379” của Chi cục Thú y vùng VI trực thuộc Cục Thú y dùng để sản xuất vắc xin.

Anh Thơ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/viet-nam-san-xuat-duoc-vac-xin-khong-che-loai-benh-xuat-hien-100-nam-truoc-931260.html