Việt Nam quan tâm đến Công ước mới về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc

Đoàn đại biểu ba bên của Việt Nam sẽ tham gia vòng đàm phán cuối về một Công ước mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 17 đến 19-6-2019 trong khuôn khổ Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 108-Phiên họp đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Tổ chức này.

Sự quan tâm của Việt Nam đối với Công ước mới này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với xu thế toàn cầu về lao động và hội nhập quốc tế. Đây là thông tin đưa ra tại Tọa đàm Dự thảo Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 28-5.

Cách đây 4 năm, vào năm 2015, ILO đã khởi động quá trình xây dựng một bộ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới về bạo lực và quấy rối trong công việc. ILO thừa nhận rằng bạo lực trong công việc là một mối đe dọa đối với phẩm giá, an ninh, sức khỏe và phúc lợi của mọi người và rằng bạo lực tại nơi làm việc không chỉ tác động tới người lao động và người sử dụng lao động, mà còn tác động tới gia đình, cộng đồng họ, tới nền kinh tế và toàn thể xã hội. Sau khi Công ước mới này của ILO được thông qua, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn.

 Ảnh minh họa. TTXVN.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Trong dự thảo Công ước hiện nay, đáng chú ý là sự mở rộng phạm vi đối với các khái niệm “bạo lực”, “quấy rối”, “trong công việc”, và “người lao động”. Trong đó, thuật ngữ “bạo lực và quấy rối” trong công việc đề cập tới một loạt các hành vi và thực hành không được chấp nhận, hoặc các nguy cơ liên quan tới các hành vi và thực hành đó, dù xảy ra một lần hoặc lặp lại nhiều lần, nhằm mục đích, gây ra, hoặc có khả năng gây ra tác hại về mặt thể chất, tâm lý, tình dục và kinh tế, và gồm cả bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới.

“Người lao động” được quy định bao gồm nhân viên như định nghĩa trong luật pháp quốc gia và thực tiễn quốc gia, cũng như những người làm việc bất kể tình trạng hợp đồng của họ, những người đang được đào tạo, gồm cả thực tập sinh và người học việc/học nghề, người lao động đã chấm dứt việc làm, tình nguyện viên, người tìm việc và ứng viên xin việc, trong tất cả các ngành, cả ở khu vực kinh tế chính thức và không chính thức và dù là ở khu vực thành thị hay nông thôn. Và “trong công việc” là bất cứ địa điểm hoặc môi trường nào liên quan đến quá trình làm việc, có liên hệ với hoặc phát sinh từ công việc, ví dụ như không gian công và tư nơi diễn ra công việc; nơi nghỉ ngơi hoặc dùng bữa, hoặc sử dụng các cơ sở/trang thiết bị vệ sinh, rửa ráy và thay đồ; trong các chuyến công tác hoặc di chuyển liên quan đến công việc, tập huấn/đào tạo, các sự kiện hoặc các hoạt động xã hội có liên quan đến công việc; trong các hoạt động truyền thông liên quan đến công việc được thực hiện thông qua các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông; tại các nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp; ….

Tại Hội nghị Lao động Quốc tế sắp tới, mỗi quốc gia thành viên cử một đoàn đại biểu ba bên tham dự hội nghị gồm đại diện từ chính phủ, từ tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động. Tất cả đại biểu có quyền biểu quyết độc lập và tất cả các phiếu biểu quyết đều có giá trị như nhau, bất kể dân số của quốc gia thành viên mà họ đại diện.

Tọa đàm mang đến cho các bên thông tin cốt lõi nhất về nội dung Công ước và kết quả tham vấn các quốc gia thành viên ILO. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về nội dung được đề xuất cho công ước và liên hệ với tình hình thực tiễn tại Việt Nam cũng như những chỉ dẫn hữu ích cho quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động đang diễn ra.

HỒNG UYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/viet-nam-quan-tam-den-cong-uoc-moi-ve-cham-dut-bao-luc-va-quay-roi-trong-cong-viec-575197