Việt Nam-Pháp: Hướng tới phát triển đổi mới và bền vững của địa phương hai nước

Điều đặc biệt trong quan hệ Việt NamPháp là mối quan hệ toàn diện, không chỉ ở phạm vi Trung ương, mà quan hệ hợp tác ở các địa phương giữa hai nước ngày càng có chiều sâu và mang đến hiệu quả thiết thực, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 11

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 11

Ngày 2/4, tại thành phố Toulouse, Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Pháp và chủ trì Lễ bế mạc Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 11.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Pháp Philippe Dallier, các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, lãnh đạo một số địa phương Việt Nam và Pháp, cùng các nhà đầu tư, đại diện doanh nghiệp Việt Nam-Pháp.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 11 với chủ đề “Các quan hệ đối tác hướng tới phát triển đổi mới và bền vững của địa phương” được tổ chức tại Thành phố Toulouse, Pháp trong hai ngày 1-2/4.

Quan hệ Việt Nam-Pháp là mối quan hệ toàn diện

Phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng được đến thăm thành phố sắc hồng Toulouse và tham dự hội nghị. Đây cũng là lần thứ 2 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp có mối quan hệ thân thiết. Việt Nam và Pháp cùng nhau trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, cùng nhau vượt qua những “khúc quanh” để trở thành những người bạn đồng hành, tin cậy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh điều đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Pháp là mối quan hệ toàn diện, không chỉ ở phạm vi Trung ương, mà quan hệ hợp tác ở các địa phương giữa hai nước ngày càng có chiều sâu và mang đến hiệu quả thiết thực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng hợp tác giữa các địa phương của hai nước có quy mô lớn nhất, có cơ chế tốt nhất trong mạng lưới hợp tác địa phương giữa Việt Nam và nước ngoài.

Thông qua hợp tác địa phương, nhiều dự án cụ thể, thiết thực trong nhiều lĩnh vực từ quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, phát triển bền vững… đã được triển khai và mang lại kết quả rất tích cực.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 45 năm Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm ký tuyên bố chung về hợp tác Đối tác chiến lược cùng với hai chuyến thăm cấp cao trong năm 2018 là chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 3/2018 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe hồi tháng 11/2018.

Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Hội nghị cùng với chuyến thăm Pháp lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tạo thành bước nối tiếp cho đà phát triển mới mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam-Pháp. Điều này càng minh chứng cho vai trò, tầm quan trọng và cho triển vọng phát triển quan hệ giữa các địa phương của hai nước, phục vụ hiệu quả và thiết thực cho sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia nói chung và của mỗi địa phương nói riêng. Đó cũng chính là điều mà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã khẳng định và kỳ vọng.”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao chủ đề xuyên suốt của hội nghị là “Các quan hệ đối tác hướng tới phát triển đổi mới và bền vững của địa phương”, thể hiện rõ yêu cầu đồng thời cũng là thách thức cho các địa phương Việt Nam và Pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, với yêu cầu và thách thức phát triển đặt ra ngày càng cao và đa dạng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giới thiệu với bạn bè Pháp về cà phê của Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi vui mừng nhận thấy thông qua những cuộc trao đổi sôi nổi, những sự suy nghĩ, trăn trở và tìm tòi trong 2 ngày qua, chúng ta đã đạt được nhiều nhận thức chung để từ đó đặt thành mục tiêu cho phát triển hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp trong những năm tới”.

Yếu tố sáng tạo đóng vai trò then chốt

Nhất trí với những nội dung mà các đại biểu hai nước đã trao đổi, bàn bạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu 2 nội dung.

Một là, yếu tố “sáng tạo” là yêu cầu cấp thiết không chỉ của quốc gia, mà của cả các địa phương trong bối cảnh của các hiệp định thương mại tự do đa phương thế hệ mới và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nội dung 5 chuyên đề thảo luận chính là những lĩnh vực cốt lõi và mang tính hiện thực cao của hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp trong bối cảnh hiện nay. Trước các thách thức đang thay đổi, cả ở Pháp cũng như ở Việt Nam, các địa phương phải tìm ra được những hướng đi mới, tạo đà phát triển mới cho hợp tác giữa các địa phương hai nước. Yếu tố sáng tạo rõ đóng vai trò then chốt. Các địa phương cần coi nhận thức chung đó là nền tảng cơ bản để bảo đảm hiệu quả và thành công cho hợp tác trong tương lai.

Hai là, yếu tố “bền vững” nổi lên và xuyên suốt qua tất cả các lĩnh vực hợp tác. Phát huy văn hóa, di sản phải đảm bảo nguyên tắc bền vững; giáo dục và y tế cũng để tạo ra nguồn lực có tính bền vững. Ứng phó với biến đổi khí hậu là tìm cách sống và thích nghi bền vững với những điều kiện khí hậu thay đổi. Phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng bền vững và quy hoạch đô thị cũng phải nhằm vào sự phát triển bền vững. Mục tiêu bền vững phải trở thành một tiêu chí, một cơ sở để xây dựng kế hoạch và thực tế đang đòi hỏi các dự án hợp tác không chỉ ở quy mô quốc gia mà ở cấp độ địa phương đều phải có một tầm nhìn lâu dài và toàn diện, bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, nước Pháp và người dân Pháp sẽ cùng chia sẻ các mối quan tâm về phát triển bền vững với nghĩa rộng. Thế giới chỉ có thể phát triển bền vững nếu tất cả các quốc gia đều tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của nhau; cùng nhau xây dựng lòng tin với sự chân thành, thực tâm, trách nhiệm và bằng những hành động cụ thể.

Những nhận thức chung là định hướng cơ bản, đi liền với đó, mỗi một hoạt động hợp tác lại cần phù hợp với từng địa bàn và từng đặc thù về sự ưu tiên phát triển, về nguồn lực phát triển của mỗi địa phương của hai nước. Những hoạt động hợp tác đó cần những con người bám sát thực địa, hiểu thực địa và thậm chí phải hòa mình với thực địa. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, rất nhiều đại biểu tham dự Hội nghị chính là những con người như vậy và chính họ đang nắm giữ chìa khóa thành công của mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp.

Kết quả Hội nghị lần thứ 11 sẽ tiếp nối những thành tựu mà các địa phương hai nước đã đạt được trong nhiều thập kỷ hợp tác; đồng thời, tạo ra một xung lực mới cho những bước phát triển mới trong hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, trong lần hội ngộ tới đây sau 3 năm nữa tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam sẽ có thêm nhiều kết quả mới, thành tựu hợp tác mới để cùng nhau chia sẻ và góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của mỗi địa phương chúng ta.

Hỗ trợ chính quyền địa phương trong quan hệ hợp tác địa phương hai nước

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Pháp nhấn mạnh sự hợp tác giữa các địa phương đã phát triển suốt 30 năm qua. Đây là một trong những ví dụ điển hình, thường được nêu ra trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Theo Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Pháp, hai ngày qua, các đại biểu hai nước đã bàn thảo nhiều về đô thị tương lai, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.

Đó là những vấn đề, thách thức mà cả hai nước phải đối mặt, vượt qua trong những năm tới. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi địa phương, doanh nghiệp cũng như từng người dân.

Toulouse đã tăng cường quan hệ hợp tác với Hà Nội với những dự án cụ thể về phát triển đô thị.

Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Pháp cho biết sự thành công trong mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước là do sự đa dạng của các dự án hợp tác cũng như sự năng động của chính quyền và người dân các địa phương về sáng tạo và phát triển bền vững.

Thượng viện Pháp luôn hỗ trợ các chính quyền địa phương trong quan hệ hợp tác với các địa phương của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra lễ ký kết một số văn kiện hợp tác, trong đó có có các địa phương Việt Nam và Pháp như Hà Nội-thành phố Toulouse; tỉnh Yên Bái-tỉnh Val de Marne.

Ngọc Mai

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/viet-nam-phap-huong-toi-phat-trien-doi-moi-va-ben-vung-cua-dia-phuong-hai-nuoc-292872.html