Việt Nam - Phần Lan hợp tác hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo

Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà hỗ trợ tài chính và công ty khởi nghiệp, đặc biệt là tính minh bạch trong thông tin doanh nghiệp để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đầu tư, hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Ngày 24/8, tại Hội thảo “Cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo”, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) đã giới thiệu bản dự thảo cuối cùng về “Tài liệu thảo luận chính sách về cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo” do IPP 2 thực hiện.

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế của IPP 2 đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu chính, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thảo luận về những khuyến nghị liên quan tới cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam.

Tham tán Đại sứ quán Phần Lan Marko Saarinen cho biết, kết quả nghiên cứu hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan tập trung đóng góp về cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp. IPP đã kêu gọi các đơn vị nộp hồ sơ xin tài trợ, cung cấp các công cụ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và đạt được kết quả tốt với sự thành công của nhiều nhiều chương trình hỗ trợ tại Việt Nam. Hiện IPP đang xây dựng nguồn lực cho các doanh nghiệp, các trường đại học và các tổ chức đào tạo trong lĩnh vực phát triển khởi nghiệp.

Tham tán Đại sứ quán Phần Lan Marko Saarinen cho biết IPP đã cung cấp nhiều cơ chế tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Ông Marko Saarinen nhận định: “Việt Nam đang là đích đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà hỗ trợ và doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như một nền tảng thông tin, dữ liệu đáng tin cậy. Điều quan trọng là cần hoàn thiện và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư”.

Nghiên cứu của IPP khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế quốc gia. Đây là nhân tố tạo công ăn việc làm đồng thời tạo ra ngành nghề mới, đa dạng hóa nền kinh tế và giúp nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn. Tuy vậy, thị trường tại Việt Nam còn nhiều khoảng trống và cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Việt Nam chưa có nguồn vốn của Nhà nước cho khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, trong khi đây là giai đoạn cần sự đầu tư vốn và hỗ trợ về nhiều mặt, sự đầu tư của Nhà nước ở giai đoạn đầu rất quan trọng và có thể tạo ra lợi ích lớn ở những giai đoạn sau này.

Trưởng nhóm nghiên cứu IPP2 khẳng định khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế quốc gia

Hiện nay tại Việt Nam đã có các công cụ tài chính hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo như đầu tư thiên thần, bảo lãnh tín dụng, tập đoàn đầu tư cho khởi nghiệp…, các mô hình này cần cần được Nhà nước công nhận và hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng cần xây dựng thêm những mô hình mới về hỗ trợ tài chính như mô hình kết hợp giữa tài trợ và cho vay....

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia Jouko Ahvenainen nhấn mạnh có rất nhiều mô hình hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư cũng như công ty khởi nghiệp cần tập trung vào giải pháp tìm ra mô hình phù hợp nhất với từng doanh nghiệp khác nhau, ở từng giai đoạn khác nhau. Ông khẳng định Việt Nam là một thị trường mới nổi và có tiềm năng lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, có nhiều cơ hội mà thị trường tài chính tạo ra, cần chú trọng vào tính minh bạch, hiệu quả của thông tin doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu tin cậy sẽ mang lại những đánh giá cụ thể và hỗ trợ ngân hàng cũng như các tổ chức ra quyết định hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Sau khi tiếp thu ý kiến từ các bên liên quan tại Hội thảo, Tài liệu thảo luận chính sách sẽ được tiếp tục hoàn thiện để có thể chính thức công bố.

Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) là chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan đồng chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2014 – 2018 với tổng số ngân sách 11 triệu Euro. Trong những năm qua, IPP2 đã tiên phong thử nghiệm ở Việt Nam mô hình mới trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo năng lực, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lành mạnh, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh, hướng tới nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững ở Việt Nam.

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Ngọc Mai

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/viet-nam-phan-lan-hop-tac-ho-tro-tai-chinh-cho-khoi-nghiep-sang-tao-107865.html