Việt Nam phản đối Trung Quốc lập doanh nghiệp ở Hoàng Sa

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin có hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký kinh doanh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định điều này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Ảnh chụp màn hình Twitter của AMTI

Ảnh chụp màn hình Twitter của AMTI

“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” - bà Lê Thị Thu Hằng nói tại họp báo thường kỳ chiều 15/10.

“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố.

Ngày 15/10, Twitter của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) đăng tải thông tin: Kể từ khi được thành lập năm 2012 đến tháng 6/2019, đã có 446 công ty Trung Quốc thuộc các thành phần tư nhân và nhà nước của đăng ký kinh doanh tại cái gọi là thành phố Tam Sa đặt tại đảo Phú Lâm. Trong số đó, 307 công ty có tổng vốn điều lệ lên đến 1,2 tỷ USD.

Theo AMTI, dù phần lớn các công ty này hoạt động bên ngoài địa phận đảo Phú Lâm, nhưng chúng vẫn đóng góp vào sự phát triển của thành phố Tam Sa trong vai trò là sự hiện diện về hành chính của Trung Quốc trên Biển Đông.

Việt Nam đã nhiều lần phản đối những hành vi của Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, trong đó có việc thành lập những đơn vị hành chính tại 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ngày 19/4/2020, trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng phản đối các quyết định này.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai” - bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu.

Minh Tuấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/viet-nam-phan-doi-trung-quoc-lap-doanh-nghiep-o-hoang-sa-398888.html