Việt Nam phấn đấu nằm trong Top 10 thế giới về nội dung số

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo nền tảng thuận lợi cho các mô hình kinh doanh mới phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.

Ngày 21/8, phát biểu tại Hội thảo "ASEAN 4.0: Phát huy tinh thần doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0", Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ thế giới số, siêu kết nối thông minh, tạo ra cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới.

“Môi trường siêu kết nối cũng tạo nên cách mạng về giao dịch, thanh toán, logistic, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo ngày 21/8. Ảnh: baoquocte.vn.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo ngày 21/8. Ảnh: baoquocte.vn.

Thứ trưởng cũng khẳng định Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ. Những quốc gia đang phát triển như các nước ASEAN nếu tạo dựng được môi trường thuận lợi cho cái mới nảy nở và lan tỏa, khuyến khích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo, thì hoàn toàn có cơ hội phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

ASEAN là nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới với 630 triệu người dân, trong đó 260 triệu người thường xuyên truy cập Internet và dự báo sẽ tăng lên 480 triệu vào năm 2020. Theo dự báo của tập đoàn Google và Quỹ Temasek, nền kinh tế internet của khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP của khu vực.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, đây là nền tảng thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam.

“Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020, sẽ trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin”, Thứ trưởng cho biết.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Phó trưởng Ban tổ chức WEF ASEAN 2018 Nguyễn Văn Thảo chủ trì Tọa đàm về Chương trình Nghị sự của WEF ASEAN 2018. Ảnh: Ngọc Hà.

Hội thảo có sự tham dự của các đại sứ, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia, học giả cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp Việt Nam. Đây là dịp các đại biểu từ chính phủ và doanh nghiệp trao đổi ý tưởng, kiến nghị chính sách nhằm nâng cao năng lực thích ứng và tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng khẳng định kinh tế số đang trở thành nền tảng của cuộc sống.

“Chúng ta sống với nền kinh tế vật lý hữu hình nhưng đang chuyển sang một thời đại kinh tế vô hình là kinh tế số. Kinh tế số đang ngày càng chi phối, trở thành nền tảng cuộc sống”, ông Trần Đình Thiên nhận định.

Sự phát triển ngày nay không còn đơn thuần dựa vào phân bổ nguồn lực khan hiếm mà con người đang bắt đầu sống với một tài nguyên vô tận, đó là năng lực trí tuệ. Theo ông, từ đó, con người cần thay đổi tư duy, nhận diện được bản chất Cách mạng Công nghiệp 4.0 và có định hướng đúng đắn trong tương lai.

Hội thảo hôm 21/8 là hoạt động hướng tới Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) diễn ra từ 11-13/9 tại Hà Nội. Hội nghị do Việt Nam và WEF đồng tổ chức dự kiến sẽ thu hút sự góp mặt của hơn 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo các nước, các tổ chức, chuyên gia, học giả và doanh nghiệp.

Chiều cùng ngày, Ban tổ chức WEF ASEAN 2018 đã tổ chức Tọa đàm giữa Đại sứ các nước ASEAN về Chương trình Nghị sự của Hội nghị. Theo thông báo, WEF ASEAN 2018 sẽ gồm 60 phiên thảo luận, tập trung đánh giá cơ hội tiềm năng phát triển trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, định hướng chính sách cho các nước và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp với vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng cho khu vực.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/viet-nam-phan-dau-nam-trong-top-10-the-gioi-ve-noi-dung-so-post870533.html