Việt Nam phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ nhiệm vụ của ngành ngoại giao Việt Nam khi phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

“Các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Việt Nam đòi hỏi Việt Nam phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ nhiệm vụ của ngành ngoại giao Việt Nam khi phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tổ chức tại Hà Nội sáng 13/8.

“Những diễn biến chính trị trên thế giới thời gian qua có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Vấn đề là chúng ta có dám nghĩ, dám vượt ra khỏi những tư duy, lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế không”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và cho rằng, Việt Nam cần đánh giá kỹ các tác động để không bị động, bất ngờ và có đối sách đúng. Trong thời gian tới, ngành Ngoại giao cần xem xét một số vấn đề như môi trường đối ngoại sẽ còn phức tạp, khó lường, các đối tác lớn của Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược, bối cảnh thế giới thường xuyên biến động, môi trường chính trị, an ninh, kinh tế khu vực và thế giới đang trở nên bất ổn với tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn.

Với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Tổng Bí thư nhận định lợi ích quốc gia trên biển sẽ đứng trước một số thách thức mới, do sự biến động phức tạp của tình hình, thay đổi so sánh lực lượng, tính toán của các nước có liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng trong khu vực chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả, các thể chế đa phương khó đạt được lập trường chung đủ mạnh. Tình hình trên thực địa tiếp tục phức tạp, nguy cơ va chạm, đụng độ chưa được đẩy lùi.

Kinh tế đối ngoại có thể sẽ gặp những thách thức mới. Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đang hiện hữu. Vai trò của các thể chế đa phương lớn như WTO, APEC đang bị đe dọa. Hiện nay, vai trò của các thể chế đa phương đang có xu hướng giảm đi trước lối hành xử chính trị cường quyền coi trọng song phương. Một số cơ chế đa phương mới lại có xu hướng phục vụ cạnh tranh nước lớn. Ở trong khu vực ASEAN vẫn còn nhiều khó khăn trong việc củng cố vai trò trung tâm.

Từ đó, Tổng Bí thư khẳng định cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương. “Các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Việt Nam đòi hỏi Việt Nam phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực”, Tổng Bí thư nêu rõ và cho rằng, đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn.

TTXVN

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/viet-nam-phai-the-hien-tieng-noi-manh-me-hon-d268132.html