'Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt để tận dụng cơ hội nghìn năm'

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng dòng dịch chuyển đầu tư là cơ hội nghìn năm, nhưng Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ và Mexico.

Sáng 28/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến ngành KHĐT năm 2020. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ một số quan điểm về thu hút dòng dịch chuyển FDI, phục hồi sản xuất kinh doanh và các thách thức đặt ra trong thời gian tới.

“Nếu không chuẩn bị tốt, người ta chỉ đến tìm hiểu"

Về thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đang có sự chuyển dịch đầu tư rất lớn. Việc này không chỉ xuất phát từ khi dịch Covid-19 bùng phát mà là yêu cầu tự thân của môi trường kinh doanh. Việt Nam đã có nhiều năm tạo ra các điều kiện thuận lợi, lợi thế so sánh nên sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư.

 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Lê Tiên.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Lê Tiên.

Dịch Covid-19 chỉ là chất xúc tác để đẩy nhanh quá trình dịch chuyển đầu tư. Tuy nhiên, không phải cứ "ngồi yên thì dòng vốn đầu tư sẽ tự đến". Do đó, ông nhấn mạnh cần chuẩn bị tốt để đón đầu dòng vốn này. Nếu không, các công ty đa quốc gia chỉ đến Việt Nam khảo sát mà không chọn để đầu tư.

Mặt khác, các doanh nghiệp đang xem xét những thị trường cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Mexico để đặt nhà máy. “Nếu không chuẩn bị tốt, người ta chỉ đến tìm hiểu, chứ chưa chắc đã quyết định đầu tư”, ông nói.

Bộ trưởng KHĐT cho rằng các bộ ngành, địa phương phải xem xét chuẩn bị nhiều yếu tố nếu muốn thu hút dòng dịch chuyển vốn. Đó là cơ sở hạ tầng, đất đai, kết nối, nguồn nhân lực… Cấp trung ương đưa ra định hướng thu hút vốn FDI, còn các địa phương phải tự đưa ra tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư vào ngành gì, ở đâu, với mục tiêu là tạo ra giá trị gia tăng lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường, kết nối được với doanh nghiệp trong nước.

“Phải làm sao tận dụng được cơ hội nghìn năm với Việt Nam, qua đó nhanh chóng tận dụng để cấu trúc nền kinh tế, phát triển trong nước”, ông nói tại hội nghị được kết nối với 63 tỉnh, thành phố.

"Có thể đề xuất thêm các biện pháp hỗ trợ mới"

Dự báo tình hình sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cái khó là chưa biết lúc nào hết dịch Covid-19. Khi chưa có vaccine thì tình hình còn khó khăn, chưa thể mở cửa nền kinh tế, chưa biết khi nào mới kết nối lại được chuỗi sản xuất và cung ứng đã bị đứt gãy.

Nói về thành công trong thực hiện mục tiêu kép 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh phải luôn cảnh giác, không được chủ quan. Bài học dịch Covid-19 quay trở lại Đà Nẵng là nhãn tiền và có thể làm tình hình kinh tế chững lại, gây thiệt hại lớn.

“Điều tiên quyết là phải khống chế dịch. Càng khống chế sớm thì càng có dư địa phục hồi kinh tế, đón nhận cuộc chơi mới, cơ hội mới”, ông nói.

Nhóm chính sách tiền tệ đang được Chính phủ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồ họa: Như Ý.

Trong khi đó với vị trí địa lý hiện nay, Việt Nam rất dễ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh một lần nữa. Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng trên thế giới và dự báo chỉ khi nào có vaccine thì tình hình mới ổn định trở lại.

Ông cũng dự báo tình hình cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế giữa các đối tác lớn của Việt Nam ngày càng gia tăng, từ đó tạo ra những cơ hội và nguy cơ. Các quốc gia lớn đang tung ra gói cứu trợ lớn, dẫn đến rủi ro cho nền tài chính toàn cầu. Do đó, tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm được dự báo có nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh hiện tại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần thực hiện tốt các chính sách, giải pháp điều hành, thực thi các chính sách đã ban hành. Trong đó có thể xem xét kéo dài thời gian thực hiện các chính sách đã ban hành, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống người dân.

Ông cũng cho biết có thể sẽ đề xuất các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mới. Nhưng để làm được việc đó cần xác định đối tượng thụ hưởng là ai, các ngành kinh tế nào cần tập trung, thời gian thực hiện là như thế nào, nguồn lực ra sao.

Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ trưởng nhấn mạnh phải gắn với thực tiễn là dịch đang diễn ra phức tạp, cơ hội phụ thuộc vào khả năng phục hồi kinh tế của thế giới.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-nam-phai-canh-tranh-quyet-liet-de-tan-dung-co-hoi-nghin-nam-post1112455.html