Việt Nam phải bỏ ra 65 nghìn tỷ đồng mỗi năm để khắc phục hậu quả do rượu bia gây ra

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã cho biết như vậy tại Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của tổ chức phi chính phủ đối với Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, tổ chức sáng 8/11 tại Hà Nội.

Hội thảo về cam kết của Việt Nam liên quan đến phòng chống tác hại rượu, bia (Ảnh: T.H)

Ông Quang cho biết, hiện nay mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động, bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016. Đặc biệt là tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60gam cồn trở lên).

Do đó, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Huy Quang phân tích, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu đóng góp cho kinh tế trong nước khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, Chính phủ phải bỏ ra tới 65 nghìn tỷ đồng/năm để khắc phục hậu quả do rượu bia gây ra.

Không chỉ gây hệ lụy về mặt kinh tế, rượu bia còn gây hệ lụy lớn đến xã hội. Việc sử dụng rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi từ 15-49 (chiếm 36,2% ở nam giới, 0,7% ở nữa giới)...

Điều đáng nói, rượu bia còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Cụ thể, rượu bia là nguyên nhân gây ra của 30 mã bệnh tật; nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh…

“Những vụ tai nạn giao thông gây hoang mang dư luận thời gian qua như vụ tai nạn ở Hàng Xanh, TP. Hồ Chí Minh, hay vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc ở Thái Nguyên đều liên quan đến rượu, bia. Do đó, việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững…” – ông Quang nói.

Tại hội thảo, kiến nghị của các tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cộng đồng như: Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef); Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh chính sách đồ uống có cồn toàn cầu (GAPA); Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (HealthBridge Canada) … đã được đưa ra nhằm đóng góp cho Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Nội dung chung đã được các tổ chức khuyến nghị là kêu gọi Chính phủ thực thi các chính sách phòng, chống tác hại rượu bia hiệu quả nhất được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Bảo đảm tính khoa học, khách quan và luôn đặt lợi ích bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển bền vững đất nước lên ưu tiên hàng đầu trong xây dựng luật.

Đặc biệt, các tổ chức đã nêu ra sự lo ngại về sự can thiệp của ngành công nghiệp làm giảm hiệu quả của những quy định pháp luật, và tạo ra những kẽ hở mà sẽ làm suy yếu hiệu quả của pháp luật.

Tại hội thảo, Việt Nam đã đưa ra cam kết của mình liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030...

THẠCH HƯƠNG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/viet-nam-phai-bo-ra-65-nghin-ty-dong-moi-nam-de-khac-phuc-hau-qua-do-ruou-bia-gay-ra-17381.html