Việt Nam nỗ lực ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam sẽ cố gắng hết sức và phối hợp với tất cả các nước, hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020.

Sáng 23/9, tại TP. Đà Nẵng, đã diễn ra phiên đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP lần thứ 28.

RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do.

Phiên đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP lần thứ 28 là phiên đàm phán chính thức cuối cùng trong năm nay với mục tiêu xử lý nốt những vấn đề còn tồn đọng để hướng tới mục tiêu kết thúc việc đàm phán Hiệp định theo chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo của 16 nước RCEP.

Hiệp định RCEP dự kiến sẽ thành lập khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với 47,4% dân số thế giới, trên 30% GDP, 29,1% giá trị thương mại và 32,5% luồng vốn đầu tư toàn cầu.

Thay mặt nước chủ nhà đăng cai tổ chức Phiên đàm phán này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của các trưởng đoàn và tất cả các nhà đàm phán của 16 nước tham gia đàm phán Hiệp định đã đạt được nhiều tiến bộ rõ nét, đặc biệt là từ đầu năm 2019 đến nay.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì Phiên đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP lần thứ 28.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì Phiên đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP lần thứ 28.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đàm phán Hiệp định RCEP đang đi vào giai đoạn cuối cùng đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của các nước để có thể kết thúc đàm phán và đề nghị các nước hết sức nỗ lực tìm giải pháp sáng tạo, linh hoạt nhằm hướng đến sự thống nhất để xử lý những vấn đề còn tồn đọng.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 16 quốc gia tham gia đàm phán với sự dẫn dắt của ASEAN, dự kiến sẽ tạo ra một thị trường khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và quy mô GDP khoảng 49,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu. Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.

Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước trong Khối nhằm duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, vừa thúc đẩy đàm phán vừa bảo vệ tối đa lợi ích của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong đàm phán Hiệp định RCEP. Với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đưa ra đề xuất trong nhiều lĩnh vực nhằm xử lý vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia.

Đại diện 16 quốc gia tham gia phiên đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP lần thứ 28.

Cho tới nay, đàm phán Hiệp định RCEP đã kết thúc được nhiều Chương như: Hợp tác kinh tế, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Mua sắm của Chính phủ,... và đang thu hẹp được đáng kể quan điểm giữa các nước trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ…

Đề cập đến những thánh thức lớn của Hiệp định RCEP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đàm phán RCEP có thể nói là một trong những cuộc đàm phán thương mại phức tạp. Ngay từ trước khi bắt đầu đàm phán, tất cả các nước đã thống nhất mục tiêu đạt được một hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Trong các đối tác tham gia đàm phán, có những đối tác đã ký kết hiệp định FTA với nhau, nghĩa là đã cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cho nhau ở mức độ nhất định, chẳng hạn ASEAN đã ký kết các FTA với từng đối tác trong số 6 đối tác này, nhưng cũng có nhiều nước chưa có FTA với nhau. Vì vậy, cả 16 nước cùng đạt được một mức độ mở cửa thị trường chung là điều rất khó.

Ngoài ra, bên cạnh quy mô lớn của Hiệp định thì trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên cũng rất khác biệt, ngay các nước ASEAN cũng có trình độ phát triển khác nhau, chính sách khác nhau về các lĩnh vực đàm phán như: chính sách cạnh tranh, đầu tư, sở hữu trí tuệ. Do vậy, trong quá trình đàm phán, các bên luôn phải tìm các giải pháp xử lý vướng mắc, đồng thời, hài hòa được lợi ích giữa các bên.

“Đàm phán đang đi vào giai đoạn cuối cùng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của các nước để có thể kết thúc đàm phán. Tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 7 ngày 8/9/2019 tại Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng các nước RCEP đã thống nhất chỉ đạo các đoàn đàm phán nỗ lực tối đa nhằm kết thúc đàm phán Hiệp định tại Phiên đàm phán thứ 28 tại Đà Nẵng. Đây là Phiên đàm phán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm xử lý nốt những vấn đề vướng mắc, vì đây là Phiên đàm phán kỹ thuật cuối cùng trước khi các Nhà Lãnh đạo gặp nhau vào tháng 10 năm nay. Là nước chủ nhà của Phiên đàm phán này và sẽ là nước chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ cố gắng hết sức và phối hợp với tất cả các nước phấn đấu đạt mục tiêu trên và hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định RCEP ngay trong năm 2020”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Hoàng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-no-luc-ky-ket-hiep-dinh-rcep-trong-nam-2020-d107766.html