Việt Nam nỗ lực gia nhập Công ước 98 của ILO

Ngày 5/12, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo tham vấn lấy ý kiến về khả năng phê chuẩn, áp dụng Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay Việt Nam đã gia nhập 21 công ước của ILO, trong đó có 5/8 công ước cơ bản. Hiện còn 3 công ước cơ bản Việt Nam chưa gia nhập gồm: Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và Công ước 98 về quyền thương lượng tập thể.

Nhận định về vấn đề này, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, Công ước 98 của ILO là công ước mang tính khái quát nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền của người lao động và sự phát triển của nền văn minh, dân chủ, công khai, minh bạch. Nội dung cơ bản của Công ước 98 là bảo vệ người lao động và tổ chức Công đoàn không bị phân biệt đối xử, không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động.

Việc Việt Nam gia nhập công ước về quyền thương lượng tập thể cũng chính là thực hiện cơ chế thỏa thuận về lương, một trong những vấn đề quan trọng trong quan hệ lao động của kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, tổ chức Công đoàn có thể thương lượng tập thể hiệu quả hơn góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Việt Nam gia nhập Công ước 98 của ILO trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động cũng chính là tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là thành viên của Tổ chức ILO. Qua đó, góp phần hoàn thiện các cam kết của Việt Nam trong quá trình gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã phát) biểu tại hội thảo.

Cùng quan điểm, bà Sarah Galeski, đồng Chủ tịch Tiểu ban Nguồn nhân lực và Đào tạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) bày tỏ ủng hộ quyết định phê chuẩn Công ước ILO số 98 của Việt Nam.

Theo bà Sarah Galeski, điều này góp phần củng cố quyền của người lao động tại Việt Nam, thúc đẩy phê chuẩn EVFTA tại Nghị viện châu Âu, góp phần tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và cải thiện phúc lợi cho người lao động Việt Nam. Việc phê chuẩn Công ước 98 của ILO cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ quyền của người lao động, đồng thời thể hiện cam kết với Nghị viện châu Âu trong việc tuân thủ nghĩa vụ liên quan đến lao động trong khuôn khổ EVFTA.

Bà Sarah Galeski cho biết, các doanh nghiệp thành viên của EuroCham cam kết đảm bảo quyền người lao động tại Việt Nam, có chính sách về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), cung cấp điều kiện lao động cho người lao động cao hơn tiêu chuẩn các quy định theo pháp luật ban hành. Doanh nghiệp thành viên EuroCham hiểu tầm quan trọng của vấn đề thương lượng tập thể trong việc duy trì mối quan hệ tích cực với người lao động, vốn là điều thiết yếu, thúc đẩy sự đổi mới, tăng trưởng trong doanh nghiệp; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các công tác liên quan đến việc phê chuẩn, việc thực thi Công ước 98 của ILO tại Việt Nam.

Cũng tại hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam cần hành động để thể hiện sự nỗ lực liên tục trong việc tham gia Công ước 98; phấn đấu được ký kết vào đầu năm 2019 để tháng 3/2019 Nghị viện châu Âu xem xét. Các đại biểu cũng đã thảo luận xoay quanh các vấn đề về việc bảo vệ tổ chức Công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử, hành vi can thiệp; các vấn đề thương lượng tập thể và những kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật khi tham gia Công ước 98.

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/viet-nam-no-luc-gia-nhap-cong-uoc-98-cua-ilo-20181205171613461.htm