Việt Nam - Nhật Bản: Thúc đẩy quan hệ phát triển toàn diện, thực chất

Bộ Ngoại giao cho biết, từ ngày 22-23/10, nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito. Chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với việc củng cố, thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản phát triển toàn diện và thực chất hơn.

Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao ngày 17/10, bà Lê Thị Thu Hằng - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin, Thủ tướng Việt Nam sẽ dự các sự kiện chính thức tại lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito và sẽ có một số cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước dự sự kiện.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Trước sự kiện lịch sử này của Nhật Bản, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam chân thành chúc mừng hoàng gia và nhân dân Nhật Bản nhân dịp Nhà vua Naruhito đăng quang. Ngay sau khi Nhật hoàng Naruhito lên ngôi (ngày 1/5), lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã gửi điện chúc mừng.

Trong 45 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản không ngừng phát triển, nhất là từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2009) và nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2014.

Bà Lê Thị Thu Hằng nhận định, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là về thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp và giáo dục. Việt Nam tin tưởng dưới thời đại Lệnh Hòa, đất nước và nhân dân Nhật Bản sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng đất nước thịnh vượng và phồn vinh. “Việt Nam tin quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới”- bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Trải qua chặng đường hơn 45 năm, dấu ấn Nhật Bản trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại với Việt Nam ngày càng đậm nét, hiện Nhật Bản đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc và là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc của Việt Nam.

Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Nhật Bản chiếm 7,9% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới; trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Riêng 7 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Nhật Bản đạt 22,072 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 11,445 tỷ USD, nhập khẩu 10,627 tỷ USD.

Về đầu tư, 7 tháng 2019, vốn đầu tư của Nhật Bản sang Việt Nam đạt 2,25 tỷ USD. Lũy kế từ trước đến nay, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản tại Việt Nam đạt 58,1 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn FDI của cả nước. Các lĩnh vực đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu trong công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất động sản…

Đặc biệt, hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng quy mô phát triển. Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cũng cho thấy, hiện có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư mới vào Việt Nam và 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Nhật Bản còn là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Việt Nam và Nhật Bản hiện là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi phát triển đối với hoạt động giao thương giữa hai quốc gia.

Việt Nam – Nhật Bản còn là thành viên tích cực của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đây là thuận lợi lớn để hai bên có thêm nhiều triển vọng hợp tác tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới; thúc đẩy trao đổi thương mại phát triển nhiều hơn nữa.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-nhat-ban-thuc-day-quan-he-phat-trien-toan-dien-thuc-chat-126830.html