Việt Nam - Nhật Bản: Thúc đẩy hợp tác công nghiệp hỗ trợ

Kết nối doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sang thị trường quan trọng này.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, hiện Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất với tổng số vốn ODA khoảng 27 tỷ USD. Đồng thời, là đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại năm 2018 khoảng 38 tỷ USD.

Nhật Bản cũng là nhà đầu tư thứ 2 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 4.300 dự án có tổng số vốn đăng ký gần 60 tỷ USD. Các dự án đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp Nhật Bản đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.

Lãnh đạo Tập đoàn N&G - Hiệp hội cùng Công ty Onaga trao Thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại Thủ đô Toyota - Nhật Bản trước sự tham dự, chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 11/2021

Lãnh đạo Tập đoàn N&G - Hiệp hội cùng Công ty Onaga trao Thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại Thủ đô Toyota - Nhật Bản trước sự tham dự, chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 11/2021

Để phát triển quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chiến lược công nghiệp hóa được xây dựng và thực hiện với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nhiều cơ quan Nhật Bản khác trên cơ sở tham vấn doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế, có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trên thị trường cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Tuyên bố chung của hai Thủ tướng, hai bên đã thống nhất cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực công nghiệp nhằm góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Và trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2022, phát biểu tại “Hội thảo hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam và Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức ngày 01/5/2022 tại Hà Nội, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đánh giá, khả năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam là không có giới hạn. Nhật Bản và Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa hướng tới giai đoạn hậu Covid-19.

Theo đó, để phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác này, Thủ tướng Kishida Fumio cho rằng: “Trước hết, để doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ổn định tại Việt Nam thì công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là yếu tố then chốt. Tiếp theo, Nhật Bản và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội trên nhiều lĩnh vực thông qua chuyển đổi số. Và thứ ba là đa dạng hóa chuỗi cung ứng”.

Đoàn doanh nghiệp sản xuất linh kiện máy bay - hàng không - tàu shinkansen - ô tô - tàu biển - nông ngư nghiệp vùng Kobe - Nhật Bản thăm, làm việc tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) tháng 11/2022

Nắm bắt những chủ trương lớn của Chính phủ cũng như định hướng về sự hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong chiến lược phát triển công nghiệp hai nước. Cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói riêng đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất ngay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và trong những tháng đầu năm 2022.

Với sự đồng hành, kết nối của Ban lãnh đạo, Đoàn Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thủ đô đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.

Điển hình là việc hình thành chuỗi tổ hợp nhà máy sản xuất các sản phẩm linh kiện hàng không - vũ trụ - Robot của Công ty Onaga - đại diện nhóm các doanh nghiệp vùng Kobe (Nhật Bản) - đang được gấp rút xây dựng tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) và đưa vào hoạt động theo kế hoạch trong quý II/2023.

Việc Công ty Onaga chính thức triển khai đầu tư tại HANSSIP nhằm cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác đã ký ngày 25/11/2021 tại Tokyo giữa Tập đoàn N&G - Việt Nam và Công ty Onaga - Nhật Bản (đại diện nhóm doanh nghiệp vùng Kobe) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và quan chức Nhật Bản.

Ông Ishida Takayuki - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn - Đầu tư - Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (VI-JA CID) ký kết các thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp hội viên HANSIBA

Theo nội dung hợp tác đã ký kết, Tập đoàn N&G sẽ hỗ trợ toàn bộ các thủ tục liên quan tới giấy phép đầu tư, xây dựng; nhập khẩu máy móc thiết bị đã đang sử dụng tại Nhật Bản để dịch chuyển sang Việt Nam; hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo tiêu chuẩn của Nhật Bản ngay tại Học viện hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI).

Học viện VSI được ra đời là minh chứng cho việc cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Hà Nội chủ động sáng tạo vươn lên hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, Công ty Tư vấn đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản được ra đời để kết nối hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tham gia phát triển sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Công ty Tư vấn đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản sẽ cung cấp các dịch vụ như Chứng chỉ sản xuất toàn cầu và Nhật Bản, đào tạo lao động kỹ thuật cao, quản trị công nghệ mới, quy trình sản xuất,… cho các doanh nghiệp Việt Nam để đủ điều kiện tham gia chuỗi sản xuất Nhật Bản và toàn cầu.

Học viên của Học viện Hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI) Nguồn lao động cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội – Việt Nam

Những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Mặc dù, nhiều linh kiện sản phẩm, thành phẩm và bán thành phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế.

Hàng ngàn doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội đang cần được hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ vươn lên chiếm lĩnh thị phần bỏ ngỏ rất lớn lên tới hàng tỷ đôla tại Việt Nam.

Kết nối giao thương các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng với doanh nghiệp Nhật Bản sẽ là những cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm khách hàng tiềm năng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp hỗ trợ sang thị trường quan trọng này.

Từ đó đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngành công nghiệp hỗ trợ cùng chung sức nhằm nâng cao vai trò, vị thế của ngành công nghiệp hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-nhat-ban-thuc-day-hop-tac-cong-nghiep-ho-tro-227315.html