Việt Nam-Nhật Bản: Thắt chặt sự tin cậy

Với 12 văn kiện hợp tác trị giá gần 4 tỷ USD, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide từ ngày 18-20/10 không chỉ mang lại kết quả hợp tác thực chất mà qua đó còn góp phần thúc đẩy hơn nữa tình hữu nghị và sự tin cậy giữa hai nước.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Nguồn: TTXVN)

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều người cho rằng, chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức của Thủ tướng Suga là chuyến đi “làm quen” và là cơ hội để cho các nước khác “thấy ông như thế nào”. Và đúng như vậy. Tại trường Đại học Việt-Nhật hôm 19/10, và trước các sinh viên mà ông coi như những người sẽ gánh vác tương lai của Việt Nam, của ASEAN và của thế giới, Thủ tướng Suga đã tự giới thiệu bản thân - là con trai của một gia đình nông dân được sinh ra và lớn lên tỉnh Akita đầy tuyết, “nhiều đến mức có lúc tuyết chất cao đến trần tầng một mỗi căn nhà”.

Ông kể về quãng thời gian lên Tokyo đi làm sau khi tốt nghiệp phổ thông, sau đó học đại học muộn hơn 2 năm so với bạn bè cùng lứa và phải vừa học vừa làm thêm.

Ông nhận ra “chính trị là điều làm thay đổi đất nước” khi đang làm việc cho một công ty tư nhân và bước vào con đường chính trị khi mới 26 tuổi với vị trí thư ký cho một nghị sĩ quốc hội. 12 năm sau ông trở thành đại biểu hội đồng nhân dân địa phương, trở thành nghị sĩ quốc hội khi 47 tuổi, rồi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng, Chánh văn phòng nội các và tháng 9 vừa rồi nhậm chức Thủ tướng.

Có lẽ do lịch trình dày đặc chuyến thăm, ông Suga không có đủ thời gian để chia sẻ thêm những chi tiết như: mỗi buổi sáng ông dành 40 phút để đi bộ và hôm nào cũng vậy ngay cả lúc trời mưa. Khi bác sĩ nói rằng cân nặng của ông đã lên 77 kg và có thể làm suy yếu sức khỏe, ông đã gập bụng mỗi ngày 200 lần và trong thời gian 4 tháng, ông giảm được 14 kg.

Hay quãng thời gian mang tính bước ngoặt khi ông tranh cử vào hội đồng thành phố Yokohama mà không có mạng lưới người thân hay bạn bè nhưng sau đó đã thắng cử vì thu hút được sự ủng hộ của những người từ nông thôn chuyển đến sống tại Yokohama.

Tuy nhiên, qua chia sẻ, ông đã thể hiện được mình là chính trị gia luôn suy nghĩ về việc làm thế nào để cải thiện hơn nữa cuộc sống của người dân. Quan trọng hơn, ông đã chuyển tải được thông điệp về nỗ lực bền bỉ không ngừng sẽ mang đến thành công, “giống như quá trình Nhật Bản nỗ lực để phát triển bắt đầu từ con số 0 trong thời kì hậu chiến”.

Qua đó, ông cho rằng con đường này có điểm giống với những bước đi của Việt Nam và ASEAN để đạt được sự phát triển ấn tượng và trở thành trung tâm phát triển của thế giới như hiện nay. Và ông nhấn mạnh, chính điều đó khiến ông cảm thấy luôn gần gũi, thân thiết hơn với Việt Nam và ASEAN.

Nhật-Việt: Quan hệ thực chất hơn

Và Thủ tướng Suga đã giải thích lý do chọn Việt Nam, chứ không phải bất cứ một quốc gia nào khác, để đi thăm đầu tiên, một cách không thể rõ ràng hơn: “Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và “Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”.

Ông khẳng định, Nhật Bản coi trọng vị trí của Việt Nam trong khu vực; chính quyền mới của Nhật Bản kế thừa, phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước xây dựng trong nhiều năm qua.

Tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản, các nhà lãnh đạo Việt Nam, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều đánh giá cao việc ông đã chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên trên cương vị Thủ tướng.

Khẳng định Việt Nam luôn xác định Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu và lâu dài với sự tin cậy cao, các nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Nhiều người cho rằng, bản thân việc hiện thực hóa chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau dịch Covid-19 và trong vòng một tháng sau khi ông Suga nhậm chức đã mang ý nghĩa nhiều hơn. Tuy nhiên, vượt lên trên các nghi thức ngoại giao, tại cuộc hội đàm và các cuộc gặp gỡ tiếp xúc, lãnh đạo hai nước đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, thiết thực.

Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan vào tháng 11/2020; đang hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, thiết bị máy móc y tế trị giá khoảng 4 tỷ Yên và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong phòng chống Covid-19; hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam khắc phục mưa lũ miền Trung...

Hai bên tiếp tục khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn quan hệ song phương; nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, các cơ chế đối thoại các cấp, đặc biệt là cấp cao; tăng cường hợp tác thực chất, đi vào chiều sâu hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả quốc phòng, an ninh, phòng chống Covid-19, đặc biệt là về kinh tế; nhất trí áp dụng quy chế đi lại ưu tiên giữa hai nước, sớm nối lại đường bay thương mại song phương; phối hợp thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trọng điểm…

Hai bên cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ thúc đẩy các cơ chế liên kết kinh tế và tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trong các hoạt động trên biển.

Nhật Bản – ASEAN: Rộng mở hơn

Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường, Thủ tướng Suga đã cam kết sẽ “tay trong tay” cùng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng phát triển hơn nữa.

Nhưng nhìn rộng ra, hiệu ứng của chuyến thăm sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương, lan tỏa ra tầm khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Suga khẳng định, Nhật Bản coi trọng vị trí của Việt Nam trong khu vực.

Điều đó thể hiện trong thông điệp về một nước Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương qua bài phát biểu về chính sách ngoại giao quan trọng với chủ đề “Nhật Bản và ASEAN - Cùng xây dựng tương lai của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” nhân chuyến thăm Đại học Việt-Nhật – biểu tượng của hợp tác đào tạo nhân lực giữa Nhật Bản và ASEAN.

Thủ tướng Suga khẳng định, ASEAN và Nhật Bản là đối tác bình đẳng và cũng là những người bạn, cùng nỗ lực hướng đến phát triển và hỗ trợ lẫn nhau; kiên định ủng hộ ASEAN sẽ góp phần cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực bao gồm cả Nhật Bản.

Nhật Bản ủng hộ tính trung tâm và tính thống nhất của ASEAN thông qua nhiều hợp tác khác nhau. Ông cũng cam kết, Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường chuỗi cung ứng để thiết lập một nền kinh tế ở châu Á trụ vững trước các nguy cơ và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác với ASEAN.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản, đằng sau những thành tựu của sự hợp tác Nhật Bản-ASEAN, mấu chốt chính là việc hai bên cùng chia sẻ những nguyên tắc cơ bản - đó là việc thượng tôn pháp luật, rộng mở, tự do, minh bạch và bao trùm.

Thủ tướng Suga cũng cho rằng Tài liệu quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và quan điểm Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) mà Nhật Bản đang thúc đẩy có nhiều điểm chung cơ bản. Ông khẳng định Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ Tài liệu quan điểm đó của ASEAN và tin tưởng có thể cùng ASEAN tạo ra một tương lai hòa bình và thịnh vượng.

Theo tờ Kyodo, Thủ tướng Suga đã coi chuyến thăm Việt Nam và gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “một bước đi quan trọng đầu tiên” trong nỗ lực hiện thực hóa sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và bước đi này đã “đầu xuôi, đuôi lọt”, như lời của ông Suga nói khi cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.

Còn theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, chuyến thăm cấp cao đầu tiên đến Việt Nam kể từ thời dịch Covid-19 cho thấy cả Nhật Bản và Việt Nam đang rất chủ động trong việc chuẩn bị cho thời kỳ hậu Covid-19.

Thông điệp này chắc chắn sẽ được cộng đồng doanh nghiệp và người dân của cả hai nước hoan nghênh và hưởng ứng; đồng thời hứa hẹn nhiều tiềm năng hợp tác, phát triển từ những chuyến thăm tiếp theo.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) được cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo công bố năm 2016. Chiến lược đề cao việc phổ biến, định hình các giá trị cơ bản như tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật, kinh tế thị trường, thúc đẩy hợp tác với Mỹ, Ấn Độ, Australia, các nước ASEAN, châu Âu và Trung Đông; tăng cường tính kết nối thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế; thúc đẩy các hoạt động vì hòa bình và ổn định, bao gồm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho các nước duyên hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hợp tác hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai, giải quyết vấn đề khủng bố, cướp biển.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-nhat-ban-that-chat-su-tin-cay-126904.html