Việt Nam-Nhật Bản: Cơ hội mới trong hợp tác kinh tế

Quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản được đánh giá đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao, phát triển tốt đẹp và toàn diện.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số hai (tính theo số lũy kế), đối tác thương mại lớn thứ tư, đối tác đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam.

Nhà ga T2, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn)

Nhà ga T2, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn)

Hợp tác song phương nở rộ

Dấu ấn hợp tác của hai nước ghi đậm trong rất nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác lao động, giáo dục, du lịch, hợp tác giữa các địa phương và gần đây nhất là hợp tác phòng chống Covid-19.

Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tám tháng đầu năm 2020 đạt 25,2 tỷ USD (giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, nhập khẩu đạt 12,8 tỷ USD (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019), xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019).

Tám tháng đầu năm 2020, Nhật Bản có 196 dự án cấp mới, 94 dự án tăng vốn và 416 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 1,649 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu trong công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất động sản…

Đặc biệt, hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng quy mô phát triển.

Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với khoảng 160.000 người.

Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện hơn 82.000 người, đứng thứ hai tại Nhật Bản.

Nhật Bản cũng là một trong những nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam. Năm 2019, có 951.962 lượt khách Nhật Bản vào Việt Nam (tăng 15,2%), đứng thứ ba.

Nhật Bản còn là đối tác viện trợ phát triển chính thức ODA quan trọng, là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yen cho Việt Nam lớn nhất, với tổng giá trị vay cho đến 12/2019 là 2.578 tỷ Yen, tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.

Rộng mở cơ hội hợp tác mới

Kinh tế Nhật Bản trải qua các giai đoạn, nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973), tăng trưởng chậm lại (1974-1990) và trì trệ (từ 1991 đến nay). Hiện tại, tuy tiếp tục có nhiều vấn đề nan giải song Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế thứ ba thế giới.

Trong giai đoạn từ 12/2012 đến 9/2020, Thủ tướng Abe Shinzo đã triển khai mạnh mẽ Chính sách kinh tế mới Abenomics giai đoạn một gồm ba mũi tên: Chính sách tiền tệ táo bạo; Chính sách tài chính linh hoạt và Xây dựng chiến lược tăng trưởng mới.

Tháng 9/2015, Thủ tướng Abe tiếp tục đưa ra Chính sách Abenomics giai đoạn hai với ba mũi tên mới là: Phát triển kinh tế; Hỗ trợ chăm sóc trẻ em và Đảm bảo an ninh xã hội, trong đó phấn đấu ba mục tiêu GDP năm 2020 đạt 600 nghìn tỷ Yen (khoảng 5,6 nghìn tỷ USD), nâng tỷ lệ sinh con lên 1,8, duy trì dân số ở mức 100 triệu người sau 50 năm, giảm tỷ lệ người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc người già xuống 0%...

Kết quả là, tính đến hết năm 2018, sau sáu năm thực hiện, Abenomics đã đạt được một số thành quả đáng chú ý như: Quy mô nền kinh tế đã tăng hơn 10%; Thu ngân sách quốc gia và địa phương tăng 28.000 tỷ Yen (khoảng 250 tỷ USD); Lần đầu tiên giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trước đó đã tăng liên tục từ năm 1993); Số lượng cơ sở mẫu giáo được tăng thêm cho 530.000 trẻ em; Số lượng phụ nữ trở lại đi làm sau sinh tăng thêm hai triệu người; Tăng thêm 2,5 triệu việc làm trong năm năm; Khách du lịch tới Nhật bản năm 2018 đạt hơn 30 triệu…

Về kết quả kinh tế, thực tính đến tháng 6/2019, GDP của Nhật Bản đạt 540,2 nghìn tỷ Yen (khoảng 5,2 nghìn tỷ USD). Kim ngạch thương mại năm 2019 đạt 155,5 nghìn tỷ Yen, trong đó xuất khẩu giảm 5,6%, nhập khẩu giảm 5% (sau khi tăng liên tục trong các năm 2017 và 2018). Khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản tăng mạnh trong năm 2019, đạt 31,88 triệu lượt khách, cao nhất từ trước đến nay.

Như vậy, các “mũi tên được bắn đi” đều đạt được những kết quả nhất định, song nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trung hạn. Trong đó, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội của Nhật Bản. Kinh tế Nhật Bản lần đầu tiên trong bốn năm rưỡi rơi vào suy thoái, GDP quý I giảm 2,3%, quý II giảm 28,1% so với cùng kỳ 2019.

Đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành các gói ứng phó khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử, trị giá khoảng 234.000 tỷ Yen (khoảng 2.168 tỷ USD), tương đương gần 40% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp; bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động; đảm bảo cuộc sống của người dân, bao gồm cả người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản; cải thiện hệ thống y tế, an sinh xã hội; phát triển thuốc/vaccine điều trị, thiết lập giai đoạn chuyển tiếp, chuẩn bị cho công cuộc phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Trong tình hình mới, Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng chủ động hơn trong việc phát huy vai trò dẫn dắt ở khu vực, đặc biệt là thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do thương mại và an ninh hàng hải thông qua việc vận động thành công đưa Hiệp định CPTPP có hiệu lực, đi tiên phong trong đàm phán RCEP…

Cả Việt Nam và Nhật Bản hiện là thành viên của ba hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi phát triển đối với hoạt động giao thương giữa hai nước.

Trong khi đó, trong các gói ứng phó khẩn cấp hậu Covid-19, Chính phủ Nhật Bản dành 220 tỷ Yên (2 tỷ USD) hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển sản xuất trở lại trong nước và 23,5 tỷ Yen (0,2 tỷ USD) hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa sản xuất sang nước thứ ba.

Hồi tháng Chín, trong buổi làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quyết sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài, trong đó Việt Nam là một địa chỉ được lựa chọn.

Đánh giá cao điều kiện bình thường mới hậu Covid-19 ở Việt Nam, có đến 15/30 doanh nghiệp Nhật Bản nhận được hỗ trợ đợt đầu muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Các đối tác Nhật Bản chia sẻ thật lòng những vấn đề trong hợp tác đầu tư tại Việt Nam, như nguồn nhân lực, phát triển một số lĩnh vực mới, công nghiệp hỗ trợ, về nghiên cứu và phát triển…

Phía Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, cũng như tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam…

Hợp tác toàn diện, cùng với sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tin tưởng vào quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-nhat-ban-co-hoi-moi-trong-hop-tac-kinh-te-126370.html