Việt Nam nhập sữa nhiều nhất từ New Zealand

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/8/2018, Việt Nam nhập khẩu 612,7 triệu USD sữa và sản phẩm sữa từ nhiều nước trên thế giới. Kết quả này chỉ tăng nhẹ gần 16 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, tính bình quân, mỗi ngày cả nước chi khoảng 2,7 triệu USD, tương đương trên 60 tỷ đồng để nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm sữa.

Thị trường nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam vẫn đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Úc. Trong đó, New Zealand là nhà cung cấp lớn nhất với tổng trị giá kim ngạch hết tháng 7/2018 đạt 186 triệu USD, chiếm gần 33% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu sữa cả nước. New Zealand cũng là thị trường có mức tăng lớn nhất về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, khi con số tăng thêm khoảng 30 triệu USD.

Ngoài New Zealand, các thị trường đáng chú ý có thể kể đến như: Singapore đạt 76 triệu USD; Hoa Kỳ đạt 65,65 triệu USD; Hà Lan 21,3 triệu USD; Malaysia đat 20,8 triệu USD; Pháp 19,5 triệu USD… Đáng chú ý, có nhiều thị trường lớn có kim ngạch nhập khẩu giảm. Điển hình là Ailen giảm gần 50% kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ đạt 9,8 triệu USD, giảm 8 triệu USD).

Giá trị nhập khẩu sữa đến hết tháng 7/2018.

Đối với ngành công nghiệp sản xuất, chế biến sữa trong nước, theo Tổng cục Thống kê, lũy kế 7 tháng qua, cả nước 869,3 triệu lít, giảm 0,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng sản lượng sữa bột sản xuất trong 7 tháng qua đạt 85,5 ngàn tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu tháng 3/2018 đến nay, nhiều hãng sữa đồng loạt tăng giá bán. Chẳng hạn, ngày 15/3/2018, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam tiến hành điều chỉnh 26 dòng sản phẩm công ty đang sản xuất. Mức điều chỉnh trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó.

Từ đầu tháng 5/2018, Công ty TNHH Nestle Việt Nam cũng thông báo tăng giá đồng loạt với 11 sản phẩm sữa bột. Từ cuối tháng 7/2018, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) thông báo tăng giá đối với sản phẩm mới là Enfamil Premium Infant Formula (dành cho trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi) và Enfagrow Premium Toddler Next Step (dành cho trẻ từ 1- 3 tuổi). Cùng thời điểm này, Vinamilk cũng điều chỉnh tăng từ 10.000-20.000 đồng/hộp đối với 4 dòng sản phẩm Optimum.

Theo giải thích của các doanh nghiệp trong ngành sữa, tăng giá bán bởi chi phí sản xuất đầu vào tăng (giá nguyên liệu thế giới tăng 12-20%, giá ngoại tệ, giá xăng dầu tăng….). Cùng với đó, một thời gian dài (gần 3 năm) thực hiện chương trình Bình ổn giá của Chính phủ, giá sữa của các doanh nghiệp ổn định hoặc giảm giá tùy từng chủng loại gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Dương Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/viet-nam-nhap-sua-nhieu-nhat-tu-new-zealand-d69700.html