Việt Nam nhận thêm tàu hộ vệ săn ngầm Pohang vào cuối tháng 10

Sự bổ sung một chiến hạm săn ngầm lớp Pohang do Hàn Quốc chế tạo sẽ góp phần nâng cao sức mạnh đội tàu mặt nước của Hải quân nhân dân Việt Nam.

 Ngày 4/10, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm Lễ quốc khánh và Ngày quân đội Đại Hàn Dân Quốc.

Ngày 4/10, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm Lễ quốc khánh và Ngày quân đội Đại Hàn Dân Quốc.

Đại sứ Kim Do Hyon đã cung cấp một thông tin rất đáng chú ý đó là tàu tuần tra Yeosu số hiệu PCC-765 (ảnh) mang tên thành phố nơi ông sinh ra sẽ sớm rời Hàn Quốc và đến Đà Nẵng vào cuối tháng 10 này để chuyển giao cho Hải quân Việt Nam.

Như vậy đúng như các thông tin dự đoán trước đó, Hàn Quốc đã tiếp tục viện trợ cho Hải quân Việt Nam thêm 1 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang đã qua sử dụng.

Tàu Yeosu (PCC-765) cũng thuộc thế hệ 3 (Flight III) của lớp Pohang tương tự như chiếc Gimcheon (PCC-761) mà phía bạn đã tặng cho chúng ta hồi năm 2016 và hiện đang mang số hiệu 18.

Chiếc PCC-765 do Công ty Daewoo S&M Engineering thi công đóng mới, nó được hạ thủy vào ngày 14/6/1986, chính thức gia nhập hạm đội ngày 30/11/1986 và bị loại biên ngày 27/12/2017.

Tàu hộ vệ săn ngầm Yeosu lớp Pohang có kích cỡ trung bình với chiều dài 88,3 m; chiều rộng 10 m; mớn nước 2,9 m; lượng giãn nước đầy tải 1.300 tấn.

Trái tim của tàu là động cơ CODOG (kết hợp diesel và turbine khí) cho vận tốc tối đa 32 hải lý/h (59 km/h), tốc độ hành trình 15 hải lý/h (28 km/h), tầm hoạt động 4.000 hải lý (7.400 km), thủy thủ đoàn 95 người.

Vũ khí trang bị cho Flight III của lớp tàu hộ vệ Pohang bao gồm 2 khẩu pháo Oto Melara Compact cỡ 76,2 mm với nòng dài gấp 62 lần đường kính (76 mm/62) bố trí trước - sau.

Ngoài ra, trên tàu còn có 2 bệ pháo bắn nhanh Dardo 40 mm/70 nòng đôi để bổ trợ cho khẩu 76 mm trong việc tiêu diệt các mục tiêu cỡ nhỏ cũng như phòng không, chống máy bay bay thấp và tên lửa hành trình chống hạm

Do tập trung vào nhiệm vụ săn ngầm mà những chiến hạm Pohang Flight III không có tên lửa mà chỉ được lắp đặt 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi hạng nhẹ Mk 32 cỡ 324 mm.

Về hệ thống điện tử, tàu được trang bị radar trinh sát bề mặt Marconi ST-1810, hệ thống điều khiển hỏa lực ST-1802, thiết bị ngắm bắn quang học Radamec 2400 cùng với thiết bị định vị thủy âm (sonar) gắn liền loại Signaal PHS-32.

Hiện tại chưa rõ cấu hình vũ khí của tàu Yeosu khi về Việt Nam có giống như chiếc Gimcheon (hiện mang số hiệu 18) đó là chỉ giữ lại 1 pháo Oto Melara Compact, 1 pháo Dardo và lắp đặt thêm 1 ụ pháo Sea Vulcan hay không?

Nhưng mới đây Hàn Quốc đã chuyển giao cho Hải quân Ai Cập tàu Sokcho (PCC-778, hiện mang số hiệu mới là 1000) và chiếc Chungju (PCC-762) cho Hải quân Philippines mà chỉ tháo bỏ duy nhất cụm ống phóng ngư lôi.

Mong rằng khi về tới Việt Nam thì tàu Yeosu vẫn giữ lại đủ 4 khẩu pháo hạm của mình cùng với thiết bị định vị thủy âm (sonar), tương tự như những con tàu mới bàn giao cho Ai Cập và Philippines.

Việc được bổ sung thêm những chiến hạm săn ngầm lớp Pohang do Hàn Quốc là rất cần thiết vào thời điểm hiện nay như 5 tàu Petya do Liên Xô đóng từ thập niên 1960 và viện trợ cho chúng ta từ cuối thập niên 1980 hiện đã quá cũ.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-viet-nam-nhan-them-tau-ho-ve-san-ngam-pohang-vao-cuoi-thang-10/785386.antd