Việt Nam nhận được hỗ trợ cao của các đối tác phát triển

“Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng các nguồn lực trong nước và có thể tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu”- Đây là mục tiêu thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris. Mục tiêu này một lần nữa được đề cập tại “Diễn đàn Đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) và các đối tác phát triển” do Ủy ban quốc gia về BĐKH, Bộ TN&MT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/10.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của BĐKH. Ảnh: Zing.vn

Việt Nam tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về BĐKH

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của BĐKH. Chỉ số rủi ro về khí hậu được công bố trong nghiên cứu về thiên tai trên thế giới cho thấy Việt Nam là nước đứng thứ 5 về thiệt hại do thiên tai. Do BĐKH, những năm gần đây, thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia về BĐKH cho biết: Trong bối cảnh nói trên, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về BĐKH và các chiến lược Tăng trưởng xanh, Phòng chống thiên tai, Phát triển năng lượng tái tạo..., với nhiều chương trình, dự án thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với BĐKH, trong đó có Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC), bao gồm đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris, về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng các nguồn lực trong nước và có thể tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu.

Về thích ứng với BĐKH, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án thích ứng với BĐKH trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về BĐKH nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Phó Thủ tướng cũng cho biết: Ngay sau Hội nghị COP21 năm 2015 tại Paris, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Kế hoạch hành động này hiện đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các Bộ, ngành triển khai và dự kiến nguồn lực để thực hiện, bao gồm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bắt buộc và nhiệm vụ khuyến khích thực hiện.

Các đối tác quốc tế khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH

Đánh giá cao sự hỗ trợ hiệu quả về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và các hành động thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các đối tác phát triển thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng thời đề nghị các nhà khoa học, các tổ chức phát triển quốc tế cùng phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về BĐKH và những tác động của BĐKH tới Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị các bên cần thảo luận một cách cởi mở, chi tiết chương trình hành động và những nỗ lực của Việt Nam trong chuẩn bị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, thực hiện các cam kết đã nêu trong INDC của Việt Nam và cùng cộng đồng thế giới ứng phó với BĐKH toàn cầu.

Để Việt Nam có thể thực hiện tốt những cam kết của mình, Phó Thủ tướng đề nghị các đối tác phát triển cùng hỗ trợ để xác định các vấn đề còn thiếu hụt trong các cơ chế, chính sách, chương trình hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của các đối tác quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH, thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21.

Đáp lại đề nghị của Phó Thủ tướng, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức về BĐKH, trong đó ưu tiên công tác nghiên cứu về BĐKH nhằm hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Việt Nam, bao gồm nghiên cứu và xem xét các mục tiêu INDC kỹ lưỡng hơn; xem xét triển khai các công nghệ và cơ chế mới, để có thể thích ứng với và giảm nhẹ hậu quả của BĐKH nhiều hơn nữa so với mức đã cam kết; những kế hoạch đầu tư lớn trong vào hoạt động thích ứng với BĐKH, tập trung vào các khu vực, cộng đồng và các nhóm dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các bên trong việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với những thách thức do BĐKH và phát triển một nền kinh tế vững mạnh theo hướng sử dụng carbon thấp, nhằm hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững.

Ông Ousmane Dione nhận định: Giai đoạn 2016-2020, chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) có thể giúp mang lại một số trong những phát triển về chính sách cần thiết để giúp cho Việt Nam giải quyết những thách thức về BĐKH và tăng trưởng xanh. WB cam kết sẽ tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cũng như huy động các nguồn lực sẵn có để góp phần vào việc thực hiện Chương trình SP-RCC dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam.

Viễn Phong

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/viet-nam-nhan-duoc-ho-tro-cao-cua-cac-doi-tac-phat-trien.html