Việt Nam-Người bạn và đối tác đáng tin cậy với tất cả các nước

Tôi thấy ngành Ngoại giao Việt Nam năng động và hiếu khách, luôn hướng tới đối thoại, dễ tiếp thu mọi cái mới cũng như hiện đại hơn.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov ký Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và LB Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam, tháng 12/2017.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov ký Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và LB Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam, tháng 12/2017.

Lần đầu tiên tôi có cơ hội đến thăm Việt Nam khi tháp tùng Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006. Tại Hà Nội, khi được thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh, tôi bất giác nghĩ về tương lai của đất nước xinh đẹp này. Chưa đầy mười năm sau, theo sự sắp đặt của số phận, tôi đã có mặt ở đây một lần nữa, nhưng với tư cách là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền. Vào ngày tôi gặp lại, Hà Nội đã làm tôi kinh ngạc bởi chỉ sau vài năm, Hà Nội đã có diện mạo hoàn toàn mới. Đó là một thành phố xinh đẹp, đang phát triển một cách năng động và hiếu khách, một Thủ đô thực sự! Tôi cũng thấy ngành Ngoại giao Việt Nam như vậy - luôn hướng tới đối thoại, dễ tiếp thu mọi cái mới cũng như hiện đại hơn.

75 năm đối với lịch sử có lẽ là một giai đoạn không quá dài. Nhưng trong những năm qua, những thay đổi lớn lao đã diễn ra trên thế giới đều có ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên địa cầu, Việt Nam cũng không trở thành ngoại lệ. Kể từ năm 1945 đến nay, Việt Nam không chỉ đã trở thành một quốc gia hùng mạnh và độc lập, mà còn là một quốc gia có uy tín. Trong đó, không thể không kể đến vai trò quan trọng của ngành Ngoại giao Việt Nam. Khi tuyên bố mình là người bạn và đối tác đáng tin cậy với tất cả các nước, Việt Nam đã đạt được những thành công đầy ấn tượng.

Ngày nay, Việt Nam đang duy trì quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia - thành viên và quan sát viên Liên hợp quốc. Việt Nam là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có LHQ, ASEAN, APEC và các tổ chức khác. Đất nước hình chữ S này đã hai lần được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Hơn thế nữa, Việt Nam đang thực hiện một cách xứng đáng trách nhiệm của mình trong tổ chức này trong năm khủng hoảng nghiêm trọng nhất - đại dịch Covid-19.

Đối với tôi, với tư cách Đại sứ Nga, khía cạnh rất quan trọng của ngành Ngoại giao Việt Nam là sự phát triển hợp tác Nga - Việt. Nền tảng phối hợp hành động giữa chúng ta đã được tạo dựng trong giai đoạn đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành tự do và độc lập. Liên Xô đã hỗ trợ toàn diện cho Việt Nam cả trong thời chiến và trong những năm xây dựng hòa bình. Sau khi kết thúc giai đoạn khó khăn của đầu những năm 1990, khi trên thế giới và ở hai nước chúng ta đã diễn ra những thay đổi quan trọng, chúng ta đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ hữu nghị. Năm 2001, sự hợp tác của chúng ta đã vươn lên cấp độ chiến lược và đến năm 2012 là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Tất cả điều này có được phần lớn nhờ vào nỗ lực của các nhà lãnh đạo hai nước chúng ta và các cơ quan đối ngoại đã theo đuổi chính sách đối ngoại mạnh dạn và cởi mở trong quan hệ với các đối tác.

Ngày 30/1/2020, hai nước chúng ta đã kỷ niệm ngày lễ lớn: 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga. Chúng ta có thể tự tin khẳng định, sự phối hợp hành động giữa Nga và Việt Nam đang tiếp tục phát triển tích cực đúng theo tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trên thực tế, hai nước hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực: thương mại - kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục và những lĩnh vực khác. Và tất nhiên tại các diễn đàn quốc tế. Về nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự toàn cầu, Nga và Việt Nam có những quan điểm gần gũi hoặc trùng hợp. Trong hành động của mình, cả hai quốc gia đều xuất phát từ sự cần thiết phải tuân thủ vô điều kiện các chuẩn mực luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia - đối tác và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Sau khi kết thúc đại dịch Covid-19, chúng tôi hy vọng sẽ dần dần quay trở lại với động lực tương tác trước đây. Hàng không được khôi phục sẽ cho phép nối lại quan hệ giao lưu tiếp xúc trực tiếp ở cấp cao và cao nhất, cũng như giữa các bộ phận chuyên ngành của Bộ Ngoại giao hai nước. Tất nhiên, điều này cũng liên quan đến các bộ, ngành, các tổ chức và công ty khác.

Tôi chúc mừng các bạn đồng nghiệp Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Ngoại giao Việt Nam, chúc sự nghiệp của các bạn luôn phát triển, có những chuyến công tác mới đầy thú vị, cũng như sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc và thịnh vượng.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-nguoi-ban-va-doi-tac-dang-tin-cay-voi-tat-ca-cac-nuoc-122527.html