Việt Nam - Ngôi sao đang lên trong nền kinh tế thế giới hậu COVID-19

Duy trì động lực như hiện nay, Việt Nam sẽ là ngôi sao đang lên trong nền kinh tế khu vực nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, mở đường cho Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Băng rôn chào mừng kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 trên phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Băng rôn chào mừng kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 trên phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo bài viết mới đây trên trang tin asiatimes.com, Việt Nam sẽ nhanh chóng "tái xuất" trong thời kỳ hậu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên phạm vi toàn cầu.

Giống các quốc gia láng giềng, kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn sau nhiều tháng chống chọi với đại dịch. Song, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ cách thức đối phó hiệu quả với sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm chứng kiến những tín hiệu tích cực sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát - điều khó xảy ra tại nhiều quốc gia đang hứng chịu sự hoành hành của dịch COVID-19.

Theo số liệu thống kê, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong quý 2/2020 tăng trưởng 0,36%. Mặc dù đây là con số thấp nhất trong vòng 35 năm qua, mức tăng trưởng này vẫn cao hơn nhiều nước láng giềng khi ghi nhận mức tăng trưởng âm. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,8% trong năm 2020 và phục hồi lên 6,7% trong năm 2021. Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong số các nền kinh tế châu Á trong năm nay.

Tất cả điều này cho thấy Việt Nam có thể sớm phục hồi sau khủng hoảng. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng trong giai đoạn hậu đại dịch, đưa Việt Nam trở thành một trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới như đã chứng kiến trong thập kỷ qua.

Nhờ các biện pháp phong tỏa chặt chẽ để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong nhiều tháng qua, Việt Nam đang từng bước trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư nước ngoài.

Người dân đồng diễn thể dục với áo mang hình Quốc kỳ trong ngày Quốc khánh 2/9. (Ảnh: TTXVN)

Như dẫn chứng trước đó, nhờ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Việt Nam đang dần trở thành một trong những điểm đến an toàn đối với các công ty quốc tế để kinh doanh trong thời điểm dịch cũng như hậu COVID-19.

Theo một nghiên cứu của Deep Knowledge Group (Hong Kong), Việt Nam là địa điểm an toàn thứ chín trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Gần đây, Việt Nam bắt đầu từng bước mở lại các đường bay quốc tế và dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa ở những điểm nóng về đại dịch, điều có thể làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dễ bị tổn thương trước làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới. Tuy vậy, chính phủ Việt Nam nhận thức rõ mối nguy cơ này và vẫn đang theo dõi sát diễn biến dịch bệnh.

Hơn nữa, với kinh nghiệm trước đó trong phòng, chống dịch COVID-19 và sự chuẩn bị kỹ càng của hệ thống y tế, Việt Nam có thể đạt được sự cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế. Nếu vậy, Việt Nam sẽ là điểm sáng ít ỏi trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu.

Việt Nam, với các điều kiện thuận lợi, là một lựa chọn tốt cho những nền kinh tế đang tìm kiếm các điểm đến thay thế.

Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính cho 15 công ty chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, mở đường cho làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản.

Đáng chú ý, theo một báo cáo của Goldman Sachs, nhiều công ty Mỹ cho biết Việt Nam và Ấn Độ là những điểm đến được đề cập nhiều nhất trong kế hoạch dịch chuyển cơ sở sản xuất.

Việt Nam có cơ hội chưa từng có để trở thành một trung tâm sản xuất của thế giới, nếu như Việt Nam có thể tận dụng tối đa các làn sóng đầu tư sắp tới.

Bài viết trên khẳng định trong khi nhiều quốc gia đang suy thoái kinh tế do dịch bệnh, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục có những bước đi vững chắc hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang EU. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 8/6, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đồng thời, Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với hy vọng sẽ ký kết RCEP trước năm 2021.

Tất cả các thành tựu này có thể được coi là đặc biệt trong bối cảnh hiện nay và Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu được nhiều lợi ích từ các FTA này.

Cụ thể, EVFTA giảm thuế đối với các mặt hàng thủy sản, dệt may và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang EU, những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh to lớn. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặc dù chịu nhiều tác động nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 như các nước khác trong khu vực, Việt Nam đáng được biểu dương vì những kết quả đã đạt được. Không nghi ngờ gì, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế được nhiều hơn mất qua cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này.

Trang tin asiatimes.com khẳng định miễn là Việt Nam có thể duy trì động lực hiện nay, Việt Nam sẽ là ngôi sao đang lên trong nền kinh tế khu vực nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, mở đường cho Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045./.

Nguyễn Viễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-ngoi-sao-dang-len-trong-nen-kinh-te-the-gioi-hau-covid19/667140.vnp