Việt Nam nghiên cứu nhiều ung thư khó chữa

Việt Nam đang thực hiện cùng lúc 3 nghiên cứu về ung thư phổi, tụy, khoang miệng để tìm ra cách phát hiện sớm và phương pháp điều trị tối ưu.

Sáng 12/12, Viện ung thư quốc gia ra mắt chương trình hỗ trợ nghiên cứu và công nghệ trong ung thư V-CART (Vietnam Grants for cancer research and technology) nhằm hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực ung bướu tại Việt Nam.

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 165.000 ca ung thư mới, 115.000 ca tử vong. Theo ước tính, 40% số ca ung thư có thể dự phòng, 30% có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Với các biện pháp điều trị ung thư hiện tại có thể cứu 30% số bệnh nhân ung thư còn lại.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, Việt Nam luôn mong muốn lập một bản đồ gồm tất cả các loại ung thư trên cả nước. Dựa vào bản đồ dịch tễ có thể nhận định về xu hướng của các bệnh ung thư, từ đó có chiến lược sàng lọc, phát hiện sớm, tập trung nghiên cứu điều trị giúp tăng tỉ lệ chữa khỏi.

Tuy nhiên hiện tại Việt Nam chưa có kinh phí để triển khai đồng bộ, khi có hỗ trợ loại ung thư nào sẽ lập bản đồ ung thư đó, sắp tới sẽ lập bản đồ ung thư vú đầu tiên.

Các bác sĩ tại Bệnh viện K thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư

Các bác sĩ tại Bệnh viện K thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư

Từ thực tế khám chữa bệnh, Giám đốc Bệnh viện K cho biết số bệnh nhân đến khám và điều trị vì ung thư qua từng năm đều tăng, nhiều nhất vẫn là ung thư phổi, dạ dày, ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng. Đáng lưu ý, xu hướng trẻ hóa ung thư ở Việt Nam rất rõ.

Trong đó bệnh viện đang thực hiện 3 nghiên cứu cấp Nhà nước về 3 bệnh ung thư phổi, tụy, khoang miệng. Ngoài ra, còn 5 đề tài cấp Bộ nghiên cứu các loại ung thư khác.

Ung thư phổi là bệnh hay gặp, tỉ lệ chữa khỏi thấp nhưng hiện có có nhiều tiến bộ trong điều trị (thuốc mới, kỹ thuật xạ trị mới).

Ung thư tụy là bệnh khó điều trị, tiên lượng rất xấu, vì vậy vấn đề đặt ra là cần phát hiện sớm bệnh. Hiện có nhiều công nghệ sinh học để phát hiện sớm, bệnh viện đang nghiên cứu theo hướng tìm xét nghiệm DNA và nghiên cứu cải thiện chất lượng điều trị.

Với ung thư khoang miệng, hiện có nhiều phương pháp xác định giai đoạn bệnh chính xác hơn, từ đó điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn trước kia xạ trị nhiều tai biến nhưng với công nghệ xạ trị mới hiện nay đã giảm rất nhiều. góp phần giảm tai biến nhiều hơn.

GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế kỳ vọng, chương trình hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu về ung thư lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ hội tụ được các nhà khoa học trong nước, kết nối với thế giới tìm ra các biện pháp hiệu quả để sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm cũng như nâng cao tỉ lệ chữa khỏi và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư.

Thứ trưởng cũng mong muốn trong thời gian tới Việt Nam sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu phong phú và tin cậy về ung thư (trước đây các báo cáo về tình hình ung thư tại Việt Nam đều do WHO thực hiện).

Từ tháng 1 tới, các ứng viên có thể gửi ý tưởng nghiên cứu về Viện nghiên cứu ung thư quốc gia. Sau đó hội đồng chất lượng sẽ đánh giá ý tưởng, lựa chọn 20 nghiên cứu tiềm năng nhất để hỗ trợ thực hiện.

Thúy Hạnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/viet-nam-nghien-cuu-nhieu-ung-thu-kho-chua-696860.html